Hoạt động ngoài trời trong công viên, vườn hoa - mỗi nơi thực hiện một kiểu
Anh Nguyễn Khắc Huân (khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, anh thường xuyên đi bộ từ nhà đến Công viên Nghĩa Đô để tập thể dục vào buổi chiều tối. Ngay ngày đầu tiên thành phố cho phép người dân được tập thể dục ở ngoài trời, theo thói quen anh đi bộ ra công viên nhưng tấm biển báo cấm buộc anh phải ngậm ngùi thay đổi địa điểm tập vì Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) vẫn đóng cửa. Để duy trì sức khỏe bản thân, anh đành chọn những đoạn đường vắng để chạy bộ.
"Mặc dù vẫn có thể tập thể dục nhưng tập ở ngoài trời mang lại cho tôi cảm giác không an toàn. Dẫu đã chọn đoạn đường vắng nhưng trong lúc tập thể dục, tôi vẫn phải để ý phương tiện giao thông. Chưa kể tập thể dục ngoài đường cũng dễ hít phải bụi, khói xe, gây mất trật tự an toàn giao thông cho bản thân và cho những người điều khiển phương tiện", anh Huân bày tỏ.
Còn chị Nguyễn Anh Thư (phố Duy Tân, quận Cầu Giấy) thì phải thay đổi thói quen đi bộ sau bữa tối, ở Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Chị cùng con trai quyết định đạp xe lên phía Hồ Tây để rèn luyện sức khỏe trong thời gian Công viên Cầu Giấy chưa mở cửa trở lại.
"Có khá nhiều người dân khu vực tôi ở tập thể dục ở vỉa hè hoặc dưới lòng đường. Một thời gian dài thực hiện giãn cách đã khiến cơ thể mọi người uể oải, nhu cầu rèn luyện sức khỏe là có thật. Chúng tôi rất mong thành phố cho phép các công viên mở cửa trở lại để người dân có chỗ tập thể dục an toàn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông", chị Anh Thư chia sẻ.
Tương tự tại quận như: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa…, một số công viên, vườn hoa trên địa bàn cũng chưa mở cửa để cho người dân đến tập thể dục, thư giãn.
Trái ngược điều trên, tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), Vườn Thú Hà Nội (Ba Đình), Công viên Hòa Bình (Nam Từ Liêm) đã mở cửa trở lại. Tại những nơi này, đơn vị quản lý đều cho treo nhiều tranh, biểu ngữ tuyên truyền về phòng, chống dịch; dán các mã QR ở nhiều nơi để người dân tiện khai báo y tế. Đồng thời, tại các khu vực trên, đơn vị quản lý còn bố trí lực lượng kiểm tra nhắc nhở những người dân có biểu hiện tụ tập quá 10 người, đảm bảo phòng, chống dịch.
14 giờ chiều 12/10, tại Công viên Thống Nhất mở một lối cửa giữa cho người qua lại. Ngay tại cổng này, phía Công viên cho đặt bàn và bảng niêm yết giá vé vào cửa, tuy nhiên không thấy người thu vé. Ở hàng cột cổng, Công viên cho dán các khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, cùng mã QR để người khai báo y tế điện tử. Chếch bên cổng Công viên là lán trông giữ xe với vài chục xe đạp, xe máy đang gửi ở đó. Còn phía trong Công viên, nhiều người mặc đồ thể thao, đang đi bộ hoặc thực hiện những động tác rèn luyện sức khỏe.
Ông Bùi Văn Doanh ở phố Hoa Lư (Hai Bà Trưng) cho biết, từ ngày 1/10 khi thành phố cho tập thể dục ngoài trời, ông và người thân đã đến công viên này để hít thở không khí trong lành và tập những động tác thể dục yêu thích. Những người đi lại tập thể dục trong công viên, ai nấy đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, không thấy có hiện tượng tụ tập đông người. Việc Công viên mở cửa trở lại giúp người dân có địa điểm vui chơi thoáng mát hơn, giúp sức khỏe được cải thiện.
Cũng tập thể dục trong Công viên Thống Nhất, ông Trần Mai ở phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng) góp chuyện, ở trong nhà giãn cách lâu ngày thấy bức bối và uể oải. Từ khi thành phố cho phép các hoạt động ngoài trời nhưng không quá 10 người, tôi thấy rất phù hợp trong bối cảnh số ca bệnh đang giảm và tỉ lệ tiêm phủ vaccine đạt cao. "Được ra công viên thực hiện vài động tác thể dục, tôi thấy khoan khoái hẳn. Cho nên việc thành phố cho phép các hoạt động ngoài trời là thể hiện tinh thần thích ứng với dịch bệnh, theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Chính phủ, được đông đảo người dân đồng tình".
Nhất quán thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch
Mặc dù thể thao ngoài trời là nhu cầu cần thiết của mỗi người, tuy nhiên như trên đã đề cập, hiện nay tại thành phố Hà Nội mỗi nơi thực hiện một khác văn bản số 3242/UBND-KGVX của thành phố. Trao đổi về nội dung này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên cơ sở văn bản của thành phố về phòng, chống dịch, đến nay Sở Xây dựng chưa có hướng dẫn nào về mở cửa trở lại các công viên vườn hoa.
Rõ ràng, việc chưa cho phép người dân tập thể thao ngoài trời tại các công viên, vườn hoa là chưa phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ rõ trong ngày 9/10, tại buổi chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp trong yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt khẩn trương hoàn thiện, ban hành hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; triển khai tổ chức thực hiện thống nhất toàn quốc; các địa phương có thể áp dụng linh hoạt, sáng tạo, song không trái với hướng dẫn chung; nếu có vướng mắc, chưa phù hợp thì phản ánh để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sáng 12/10, Ga Hà Nội đã bắt đầu mở bán vé tàu từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và từ Hà Nội đi Hải Phòng. Cùng ngày, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải công cộng (xe bus) xe công nghệ, xe taxi hoạt động từ ngày 13/10.
Qua đây có thể thấy, Hà Nội quan tâm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội sau giãn cách. Việc mở cửa cho người dân vào vườn hoa, công viên tập TDTT, cũng rất cần được xem xét để nhất quán thực hiện đúng quan điểm phòng, chống dịch: thích ứng linh hoạt, an toàn trong bối cảnh bình thường mới.