Mất màu sắc tình nguyện
Theo ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, phong trào thanh niên tình nguyện xuất phát từ chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” của sinh viên TP Hồ Chí Minh từ năm 1994. Nhận thấy hiệu quả và xác định tình nguyện là nhu cầu được cống hiến của thanh niên, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã phát động phong trào này ở quy mô toàn quốc vào năm 2000 và tới nay đã bước sang năm thứ 17.
Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại điểm thi THCS Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa |
“Chúng tôi xác định tình nguyện là môi trường để các bạn thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Lao động tình nguyện dù ở cách thức nào cũng đáng quý, đáng trân trọng. Đó là nơi để các bạn trẻ trải nghiệm, hiểu biết thêm về những khó khăn của nhân dân và đất nước, để biết chia sẻ, biết yêu thương nhiều hơn. Trước đây, các phong trào thanh niên gắn với hoàn cảnh lịch sử có tính giai đoạn nhất định, còn các phong trào hiện nay diễn ra trong thời gian dài do đó khó tạo ra được cao trào. Do đó, phong trào thanh niên tình nguyện cần đi vào chiều sâu theo từng chủ đề, đối tượng, địa bàn, nhu cầu thực tế của cuộc sống”, ông Nguyễn Phi Long cho biết.
Nhưng thực tế, khi triển khai vào từng đơn vị, đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều đơn vị đã đặt ra những mục tiêu quá lớn như làm đường, làm các công trình công cộng... trong khi người tham gia tình nguyện đều là những sinh viên, học sinh, chưa đảm bảo sức khỏe để làm những công việc này; thì hiệu quả của hoạt động tình nguyện không còn như mong đợi.
Bên cạnh đó, như chia sẻ của một cán bộ Đoàn tỉnh Bình Định, công tác tuyên truyền để sinh viên nắm rõ về hoạt động tình nguyện còn chưa tốt, dẫn tới việc nhiều sinh viên tham gia không nắm được bản chất hoạt động cũng như ý nghĩa, mà coi như đi chơi, đi dã ngoại.
“Đơn cử trong Tháng thanh niên 2016, khi tham gia hoạt động tình nguyện là khai thông dòng chảy sông Hà Thanh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Thuận); bên cạnh những bạn thanh niên tích cực dọn dẹp, nhặt rác, gạch đá ở dưới cầu; thì rất nhiều bạn không dám xuống bờ sông vì... sợ bẩn. Một số không làm việc, hoặc làm việc lấy lệ, sau đó thi nhau tạo dáng, chụp ảnh, quay clip để đưa lên mạng xã hội”, cán bộ Đoàn này chia sẻ.
Tại đợt tình nguyện mùa thi THPT quốc gia vừa qua, em Hà Lưu An (sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng rất hồn nhiên trả lời phóng viên: “Em tham gia tình nguyện để được cộng thêm điểm rèn luyện”.
Hiệu quả từ quản lý cơ sở
Theo một Bí thư Đoàn trường ĐH, để hoạt động tình nguyện đi đúng hướng, thì bản thân các cấp bộ Đoàn cần phải nhìn nhận đúng bản chất của hoạt động tình nguyện hiện nay, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, tránh đưa ra những mục tiêu thiếu thực tế.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị học sinh sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong những năm tới, trường sẽ hướng tới hoạt động tình nguyện đảm bảo thực chất và thu hút được sinh viên. Thay vì “ôm” nhiều hoạt động, trường chỉ tổ chức chương trình tình nguyện phù hợp với kỹ năng của sinh viên đã được học trong nhà trường như: Khám chữa bệnh, chuyển giao Khoa học, Kỹ thuật, giúp đỡ, sửa chữa điện, tin học... Khi tổ chức tình nguyện, sẽ siết chặt kỷ luật, nội quy, nhất là những đợt tình nguyện ở xa và dài ngày. Những buổi tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho sinh viên tình nguyện cũng sẽ được tổ chức chuyên sâu để các em thực sự hiểu trách nhiệm và ý nghĩa của việc làm này.
Đây cũng là cách làm mà Đoàn trường ĐH Đà Nẵng đã triển khai nhiều năm nay. Theo chị Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Đà Nẵng, trong những năm qua, hoạt động tình nguyện của Đà Nẵng đã tập trung vào những hoạt động mang tính chuyên sâu tại địa phương, dựa vào năng lực, sở trường, sức khỏe của sinh viên. Cụ thể, trước khi tổ chức chương trình tình nguyện, trường sẽ nhận khảo sát từ địa phương về nhu cầu làm tình nguyện. Từ đó sẽ bố trí sinh viên tham gia thực hiện. Ví dụ như sinh viên sư phạm đi dạy văn hóa, sinh viên xây dựng sẽ hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng đường sá... phát huy chính kiến thức mà các em học được tại trường.
Theo các cán bộ đoàn thì việc kiểm tra nhắc nhở tình nguyện viên sau mỗi ngày công tác là rất cần thiết; đồng thời cần thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy hoạt động để kịp thời uốn nắn, định hướng. Bên cạnh đó, việc phối hợp quản lý với đoàn thể chính quyền địa phương cũng cần được thực hiện nghiêm túc, nhằm tránh mâu thuẫn không đáng có trong quá trình thực hiện.
Sinh viên Nguyễn Mạnh Tuấn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội): Đừng tham gia khi chưa tình nguyện Là một sinh viên từng trải qua 2 đợt tình nguyện tôi nhận thấy bên cạnh sự chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe của nhiều bạn thì cũng không ít bạn bị sốc khi tham gia hoạt động tình nguyện. Hoạt động tình nguyện là nơi để mình rèn luyện bản thân, mang ý nghĩa của tuổi trẻ. Do đó cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nhận lời hoặc đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện. Đừng tham gia hoạt động tình nguyện khi bạn thật sự không tình nguyện. |