Chia sẻ về quan niệm của mình khi tham gia hoạt động thiện nguyện, nữ nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên (ảnh) cho biết: "Một năm thực hiện dự án "Mảnh ghép", tôi không chắc cuộc sống của những người dân bãi giữa sông Hồng có nhiều thay đổi; nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là bản thân tôi và những người bạn cùng đội cảm thấy có trách nhiệm hơn với chính mình, với những công việc mình đang làm".
Hành động thiết thực cần hơn một bài báo
Hà Thủy Nguyên viết cuốn sách đầu tay khi còn rất trẻ, năm 18 tuổi. Sau này, cô theo đuổi dòng văn chương dã sử, rồi văn học giả tưởng, viết kịch bản phim truyền hình, nghiên cứu văn học. Nguyên khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nhìn vào khối lượng công việc đồ sộ mà cô đang đảm nhiệm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cô còn là người rất tâm huyết với các hoạt động xã hội. Hoạt động của nhóm tình nguyện "Mảnh ghép"- tập hợp những sinh viên trẻ do cô và một người bạn cùng lên ý tưởng và thực hiện - có sự đóng góp công sức rất lớn của cô.
Ý tưởng về việc thành lập nhóm "Mảnh ghép" đến với Hà Thủy Nguyên sau một lần đi thực tế viết báo về cuộc sống người dân khu bãi giữa sông Hồng cách đây hơn một năm. "Cuộc sống của người dân ở đó rất khó khăn, nhưng rất lạ là họ không muốn thay đổi cuộc sống đó" - chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, cô nói - "Họ hài lòng với cuộc sống như vậy. Họ có cơm ăn, áo mặc, có tiền tài trợ của những đoàn từ thiện. Vậy nhưng trên thực tế, cuộc sống của họ không được cải thiện nhiều, nhất là về điều kiện và môi trường sống. Khu vực họ sống vừa bị ô nhiễm về môi trường, vừa bị “ô nhiễm” về văn hóa. Trẻ con không được học hành đầy đủ, có em còn là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình". Nhận ra điều đó, Hà Thủy Nguyên trăn trở tìm một giải pháp mang tính bền vững hơn cho những người dân nơi đây, chứ không đơn giản là tài trợ về vật chất. Và nhóm "Mảnh ghép" đã ra đời với mục đích thay đổi nhận thức người dân về điều kiện sống của chính họ.
Trẻ em bãi giữa sông Hồng làm thiệp tặng mẹ dưới sự hướng dẫn của các thành viên nhóm “Mảnh ghép” . |
Quan tâm đặc biệt đến trẻ em, hàng tuần, nữ nhà văn trẻ cùng nhóm "Mảnh ghép" tổ chức nhiều hoạt động như vẽ, chiếu phim, đọc sách, kèm các em học, thậm chí là khám bệnh tình nguyện. Để có được hoạt động đều đặn hàng tuần như vậy, những ngày đầu, từng thành viên trong nhóm phải thăm hỏi từng nhà, ghi chép tỉ mỉ về từng hoàn cảnh gia đình để có hướng tiếp cận và giúp đỡ phù hợp. "Có nhà cởi mở, có nhà không. Không phải lúc nào chúng tôi cũng được họ đón tiếp, dù chúng tôi làm điều này để giúp đỡ họ"- Ngọc Mai, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Khi phóng viên Tin tức đề cập đến bài báo viết về cuộc sống của người dân nơi đây của Hà Thủy Nguyên, chị bộc bạch: "Sau khi tìm hiểu về cuộc sống của người dân, tôi quyết định không viết bài báo đó nữa. Lý do là người dân ở đó cần một hoạt động thiết thực hơn là việc tôi viết một bài báo về họ”.
Thay đổi nhận thức là một quá trình khó khăn
Nói về câu lạc bộ sách như một dự định hoạt động xã hội tiếp theo của mình đồng hành cùng "Mảnh ghép", Hà Thủy Nguyên luôn đề cao về việc thay đổi nhận thức của mọi người về văn hóa đọc. Là một nhà văn có cá tính, quan điểm về văn hóa đọc của Hà Thủy Nguyên cũng rất cởi mở. Cô cho rằng không phải cứ đọc thật nhiều sách, thì đấy là văn hóa đọc. Đối với cô, văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là sách, đó còn là việc xem và tìm hiểu thông qua các video, audio... và thậm chí là trò chơi điện tử - điều nói ra chắc sẽ khiến nhiều người phản đối.
Hà Thủy Nguyên quan niệm văn hóa đọc có phần gần với văn hóa chọn lọc và tiếp cận thông tin. Không đưa việc đọc sách lên ngôi “độc tôn” của văn hóa đọc, cô nói: "Sách có những lúc còn giống như một liều thuốc độc nếu như người đọc không biết chọn lựa, bởi thị trường sách hiện nay tồn tại cả những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là độc hại cho người đọc". Hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm những nguồn tư liệu tốt, những hình thức tiếp cận mới không chỉ qua sách vở - đó là một trong những tiêu chí hoạt động của Câu lạc bộ sách của Hà Thủy Nguyên. Đồng hành với Nguyên trong dự án này không chỉ có những bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên mà còn có nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đang công tác ở các trường đại học tại Hà Nội.
Dự án “Mảnh ghép” dành cho trẻ em khu vực bãi giữa sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn, Câu lạc bộ sách cũng mới đi vào hoạt động, nhiều người đặt câu hỏi cho Hà Thủy Nguyên, liệu cô có đang quá phiêu lưu? Nhưng rất lạc quan về những dự án đang thực hiện, tác giả “Điệu nhạc trần gian” chia sẻ: "Thay đổi nhận thức là một quá trình khó khăn và lâu dài. Những dự án tôi đang thực hiện, có thể mất 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn thế. Không biết đời này tôi có hoàn thành được không nhưng tôi vẫn làm. Ở bên cạnh những người bạn cùng chí hướng, tôi thấy mình không đơn độc. Và hơn nữa, tôi phải làm để thấy mình sống động".
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Hà