Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị định số 86/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021. Cụ thể, tại Điều 7 của Nghị định này quy định 15 nhóm đối tượng được miễn học phí, trong đó nhóm đối tượng thứ 13: Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí.
Thông tư số 09 hướng dẫn triển khai Nghị định này cũng nêu rõ: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học, thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, nơi học sinh, sinh viên đang học, sẽ gửi thông báo để phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để dừng thực hiện chi trả. Khi học sinh, sinh viên được nhập học lại sau khi hết thời hạn kỷ luật theo xác nhận của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, thì mới được tiếp tục chi trả chế độ này.
Thời gian học lưu ban, học lại, ngừng học, học bổ sung sẽ không được tính để chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí. Kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được cấp không quá 10 tháng/năm học (đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giáo dục đại học) và thực hiện 2 lần trong năm.