Quang cảnh cuộc Hội thảo. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào |
Tham dự hội thảo có Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào PGS TS. Thongsalith Mangnomech; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh PGS TS. Lê Quốc Lý; các nhà khoa học hai nước Lào-Việt Nam; đông đảo cán bộ-giáo viên của hai học viện và khách mời.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý cho biết mối quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam-Lào là mối quan hệ đặc biệt. Bên cạnh sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ tương giao về văn hóa cũng như sự hợp tác phát triển kinh tế bền chặt, Việt Nam và Lào hiện chia sẻ những điểm tương đồng nhất định về mô hình hệ thống chính trị. Chính vì vậy, hội thảo lần này chủ yếu đi sâu phân tích, so sánh hệ thống chính trị Việt Nam-Lào để làm rõ những giá trị chung và đề xuất các giải pháp quan trọng giúp giải quyết các vấn đề, những thách thức của hai hệ thống chính trị, góp phần tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị ngày càng đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi, nhu cầu của xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Ông Lê Quốc Lý nhấn mạnh sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của hai học viện về hệ thống chính trị hai nước hiện nay là vô cùng có ý nghĩa, không chỉ giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giữa các nhà nghiên cứu khoa học giữa hai nước, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ở hai học viện mà còn tham gia vào việc xác định, xây dựng những cơ sở, luận cứ khoa học, những định hướng và giải pháp cho việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị của Việt Nam và Lào, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia trong giai đoạn mới.
Trong khi đó, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào Thongsalith Mangnomech cho rằng Hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ thống Chính trị Lào-Việt Nam, phân tích, so sánh” được tổ chức lần này rất có ý nghĩa, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu giữa Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào, hội thảo còn là điều kiện tốt để phát huy và phát triển giá trị khoa học để đóng góp vào nghiên cứu, củng cố, sửa đổi, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung cũng như cải cách các tổ chức chính trị-xã hội phù hợp với tình hình hiện nay nói riêng. Vì vậy, các nhà khoa học hai nước Lào-Việt Nam cần phân tích, đánh giá và so sánh hệ thống chính trị của Lào và Việt Nam một cách khách quan, nhằm củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao vai trò, chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tạo thành hệ thống chính trị gọn, nhẹ, vững mạnh, nâng cao tính minh bạch và chất lượng trong lãnh đạo và quản lý, làm cho kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng.
Hội thảo đã nghe 16 tham luận, như đánh giá thuận lợi và khó khăn trong việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện cơ chế kiêm nhiệm chức danh Đảng và nhà nước; những điểm khác biệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Lào so với Việt Nam; những điểm mạnh và hạn chế trong hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam… Đây là lần thứ hai Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào tổ chức hội thảo nghiên cứu về chủ đề này. Hội thảo đầu tiên được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ở Việt Nam.