Đoàn viên, thanh niên thăm vườn nhà Thiếu tướng Bùi Đức Tùng tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN |
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Bùi Đức Tùng- một cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện ở ngõ 33, đường Hải Thượng Lãn Ông, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng năm nay đã 90 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn.
Sinh ra ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), năm 18 tuổi, chàng trai trẻ Bùi Đức Tùng rời vùng quê nghèo đi bộ đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bùi Đức Tùng là Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312. Đây là Sư đoàn chủ lực trực tiếp đánh trận Điện Biên Phủ sau những chiến dịch chống Pháp ở Tây Bắc với những chiến công vang dội như: Chiến dịch Biên giới, Tây Bắc, Hòa Bình, Thượng Lào.
Thiếu tướng Tùng cho biết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia đánh đồi Độc lập. Đồi Độc lập có vị trí cực kỳ quan trọng, là một trong 2 cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Xung quanh ngọn đồi chằng chịt dây thép gai và dày đặc các loại mìn phòng ngự.
Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc lập bắt đầu vào 16 giờ 45 ngày 14/3/ 1954 nhưng do trời mưa lớn nên các đơn vị được điều từ Him Lam sang không tới kịp trước giờ nổ súng, vì vậy, giờ khai hỏa buộc phải lùi lại. Đến 3 giờ ngày 15/3/1954, lệnh nổ súng được bắt đầu. Đây là trận chiến ác liệt, ta và địch đấu pháo gần một tiếng đồng hồ. Khi bộ binh áp sát trận địa thì hai bên giành giật từng đoạn chiến hào. Cuối cùng, quân ta tấn công vào các cứ điểm trung tâm nhưng địch chống trả quyết liệt. Người trước ngã xuống, người sau lại tiến lên, một mũi chủ lực của quân ta đã bắt được một số tù binh và bắt chúng dẫn thẳng đến trận địa cối, phá hủy 4 khẩu súng cối 120 li của địch. Đến 6 giờ 30 sáng15/3/1954, địch bỏ trận địa, tháo chạy về trung tâm Mường Thanh, quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi Độc Lập.
Khi kể về trận đánh đồi A1, Thiếu tướng Tùng trầm ngâm. Ông nhấp ngụm nước chè xanh rồi lấy ra tấm bản đồ về Điện Biên Phủ đưa cho mọi người xem. Ông chậm rãi kể, để đánh được đồi A1, chỉ còn một cách là đưa thuốc nổ vào phá hủy hệ thống hầm ngầm ở đây. Vì thế, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết tâm bằng mọi giá phải đào được đường hầm. Lúc đó đơn vị của ông nhận nhiệm vụ đào hầm, công sự tiến về sân bay Mường Thanh. Việc đào hầm phải tuyệt đối bí mật, vừa đào vừa ngụy trang, che mắt địch.
Việc đào hầm, hào cực kỳ gian khổ, nguy hiểm. Hai bàn tay chiến sĩ phồng rát, mọng nước rồi dần dần chai sần. Lưỡi xẻng ban đầu còn sáng loáng, sắc lẹm nhưng đến khi đào xong hầm, xẻng mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong queo. Nhiều đoạn hầm, hào đào đến đâu, bùn non lấp đến đó, các chiến sĩ phải đào hầm vừa bốc bùn non vừa ngụy trang, che mắt địch. Những vắt cơm đùm, cơm nắm trộn lẫn bùn được bộ đội ta ăn cầm hơi, lấy sức tại chỗ. Cuối cùng, nhiệm vụ cũng hoàn thành để đúng giờ G, khối bộc phá lớn đã được phát nổ và đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tùng tiếp tục vào Nam chiến đấu trong binh đoàn Quân khu 5 và tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 – Nam Lào, Mậu Thân 19, Đông Dương, Sa Huỳnh, Ba Gia, Vạn Tường và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp giải phóng Đà Nẵng, Quảng Nam. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Tùng tiếp tục công tác tại Quân khu 5, Quân khu 4 rồi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Năm 1984, ông Bùi Đức Tùng được phong hàm Thiếu tướng. Năm 1995, Thiếu tướng Tùng về hưu.
64 năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng giờ đây mỗi lần hồi tưởng lại, Thiếu tướng Tùng vẫn cảm thấy tự hào. Những kỷ vật, bằng khen, hay bức hình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông treo trang trọng trên tường nhà. Nhớ về đồng đội đã hi sinh ở Điện Biên Phủ, ông Tùng lại cảm thấy mình may mắn khi trở về được với gia đình, vợ con. Mỗi năm một lần, vào dịp tháng 5 lịch sử, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa ở Nghệ An lại họp mặt tại thành phố Vinh để ôn lại những kỷ niệm thời chiến đấu, động viên, hỏi thăm sức khỏe của nhau.
Giờ đây, cuộc sống giản dị của vợ chồng Thiếu tướng Bùi Đức Tùng là quây quần bên con cháu, vui vẻ cùng hàng xóm láng giềng. Có dịp là ông lại tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.