Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/1978, đoàn chuyên gia TTXVN mang mật danh đoàn S78 được thành lập, do đồng chí Đỗ Phượng, Phó Tổng giám đốc làm trưởng đoàn, đồng chí Trần Hữu Năng, Trưởng ban Biên tập tin Trong nước làm phó Trưởng đoàn. Lực lượng của đoàn S89 lúc đầu chỉ khoảng hơn 10 người, phóng viên tin có tôi (Phạm Nhật Nam), Vũ Xuân Bân, Nguyễn Đăng Chiến; phóng viên ảnh có: Phạm Thanh Hải, Hoàng Ba, Bùi Tiến Lợi, Lê Cương…
Văn phòng làm việc của đoàn S78 lúc đầu là tòa nhà biệt thự nằm sâu trong một góc khuất của cơ quan (nay bị phá để xây nhà máy in), sau chuyển ra ngoài tại số 180 Điện Biên Phủ. Những ngày đầu đoàn S78 được thành lập chúng tôi được quán triệt nguyên tắc bí mật, có qui chế sinh hoạt riêng, tránh mọi tiếp xúc không cần thiết với bên ngoài. Chúng tôi thường xuyên được nghe các đồng chí bên Tổng cục Chính trị, B báo cáo về tình hình, các bước phát triển của cách mạng Campuchia và của đất nước ta.
Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia và nhiều cơ quan truyền thông của bạn như Thông tấn xã SPK, đài phát thanh, truyền hình… được thành lập. Sau sự kiện này, tôi và anh Hữu Hiền - phóng viên ảnh lần đầu tiên mang danh nghĩa là phóng viên TTX SPK được phân công đi theo đoàn do ông Chia Xim, Phó Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia dẫn đầu đi thăm nhân dân vùng giải phóng. Các thành viên trong đoàn còn có 3 vị là Ủy viên Mặt trận là: Kỹ sư Hem Xa Min, đại diện Hội trí thức yêu nước CPC; bà Miên Xom An, đại diện Hội phụ nữ yêu nước CPC và Mát Ly. Danh nghĩa là đi thăm vùng giải phóng, nhưng thực chất là đi thăm bà con Campuchia chạy trốn khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt sang sống tại các trại tị nạn thuộc hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu, thuộc tỉnh Tây Ninh của Việt Nam.
Theo chân các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam
Từ giữa tháng 12/1978, các hoạt động chuẩn bị cho đợt công tác lớn của đoàn S78 diễn ra rất khẩn trương và tích cực. Ngoài lực lượng phóng viên tin, ảnh của B2, Tổng xã tăng cường thêm một số phóng viên có năng lực và kinh nghiệm chiến trường như: Trần Mai Hưởng, Vũ Duy Thông, Văn Sắc… đủ để thành lập 5 tổ phóng viên, mỗi tổ phóng viên gồm một tin, một ảnh và một lái xe theo các hướng tấn công của quân đội ta.
Tuần cuối của tháng 12/1978, chúng tôi được cấp phát quân trang, quần áo, tăng võng, bi đông, vũ khí giống như khi chúng tôi lên đường đi B hồi kháng chiến chống Mỹ vậy. Cũng trong mấy ngày đó các đơn vị của cơ quan thường trú TTXVN tại TP Hồ Chí Minh được lệnh chuẩn bị xe cộ, vật tư, xăng dầu, tiền bạc và các loại giấy tờ, thủ tục… cho các mũi phóng viên chuẩn bị ra trận. Ngày N+1 được quy định là ngày nổ súng trên toàn tuyến biên giới (tức là ngày 31/12/1978). Để kịp ngày giờ nổ súng, các mũi phóng viên đi các chiến trường được lệnh lên đường vào sáng sớm ngày 28/12/1978.
Tôi còn nhớ các mũi phóng viên chúng tôi rời trụ sở cơ quan 116 Nguyễn Thị Minh Khai (lúc đó là Xô Viết Nghệ Tĩnh) lúc 5h sáng. Tiễn chúng tôi chỉ có các đồng chí lãnh đạo cơ quan và một số đồng chí có trách nhiệm ở các phòng, ban. 5 tổ phóng viên ra trận lúc đó gồm có: Anh Vũ Xuân Bân và anh Văn Sắc đi Quân khu 7; anh Trần Mai Hưởng và anh Lê Cương đi với Quân đoàn 4; anh Nguyễn Đăng Chiến và anh Hoàng Ba đi Quân khu 5; anh Vũ Duy Thông và anh Văn Hiền đi với Quân khu 9; tổ đi với quân đoàn 3 gồm anh Thanh Hải (phóng viên ảnh và tôi (Nhật Nam, phóng viên tin), anh Lê Trọng Thư lái xe.
Tất cả anh em phóng viên chúng tôi đều đã trải qua chiến tranh nên rất hiểu sự gian khổ và ác liệt của nó. Trước khi tỏa đi các hướng chiến trường, anh em chúng tôi kéo nhau đến tiệm phở Hòa ở trên đường Pasteur để ăn bữa sáng chia tay. Sau bữa điểm tâm sáng, các tổ phóng viên đều khẩn trương lên đường.
Cùng đi về hướng biên giới Tây Ninh có xe của chúng tôi và xe anh Mai Hưởng. Trên đường đi, gần đến thị trấn huyện Củ Chi thì xảy ra sự cố bất ngờ, chiếc xe jeeep của tổ chúng tôi bị cháy máy, khói đen bốc lên mù mịt. Anh Thư phản ứng rất nhanh đưa xe tấp vào lề đường. Anh em chúng tôi trên hai xe vội vàng nhảy xuống, dùng mũ cối và xoong nồi mang theo, múc nước từ dòng kênh bên đường, kịp thời dập tắt ngọn lửa.
Thật hú vía, vì trên xe ngoài bình xăng còn đầy, trong thùng xe còn chở theo 5 can xăng 100 lít, nếu số xăng này bén lửa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rủi ro xảy ra thật bất ngờ, xe hỏng nằm đường, giờ nổ súng đã đến gần. Ruột gan chúng tôi như lửa đốt. Nếu chậm trễ chúng tôi sẽ không kịp tham gia chiến dịch. Ba anh em chúng tôi trao đổi nhanh và quyết định kéo xe về cơ quan sửa chữa, xong lúc nào đi lúc đó, kể cả ban đêm. Bây giờ nhớ lại, chúng tôi biết ơn lãnh đạo cơ quan và đặc biệt là anh em tổ xe.
Tất cả đều chạy đua với thời gian để sửa xe nhanh nhất. Tôi còn nhớ, anh em thợ sửa xe phải thắp cả đèn làm cả đêm không nghỉ. Với tất cả sự nỗ lực đó, mờ sáng hôm sau, chúng tôi đã lên đường trở lại, đến chập tối chúng tôi đã đến được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, lúc đó đang đóng ở Mi Mốt, thuộc tỉnh Công Pông Chàm, gần biên giới Việt Nam, kịp tham gia chiến dịch – ngày N+1.
Đây là lần thứ hai tôi và anh Thanh Hải đi công tác với Quân đoàn. Do đã quen biết từ trước và biết nhiệm vụ của chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Cục Chính trị Quân đoàn tạo điều kiện để chúng tôi nắm tình hình và giúp đỡ chu đáo về nơi ăn ở làm việc. Quân đoàn 3, chịu trách nhiệm một hướng tấn công quan trọng, Từ hướng này theo đường quốc lộ số 7, qua tỉnh Công Pông Thom, Xiêm Riệp, Si Xô Phôn, qua cửa khẩu Pôi Pét sang Thái Lan. Với vị trí có tầm quan trọng chiến lược như vậy, nên Pôn Pốt đã bố trí ở đây hàng chục sư đoàn, lập các tuyến phòng ngự nhiều tầng, lớp để bảo vệ. Vì vậy, cuộc chiến đấu của các đơn vị thuộc quân đoàn 3 đã diễn ra hết sức ác liệt.
Ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch, tôi đã được trực tiếp chứng kiến sức mạnh và sự hợp đồng binh chủng tuyệt vời giữa bộ binh, pháo binh, không quân, tăng, thiết giáp… của quân đội ta. Chính vì vậy, dù quân Pôn Pốt có phòng tuyến phòng ngự kiên cố và kháng cự quyết liệt, chúng vẫn mau chóng bị đánh bại. Chỉ trong vòng 3 ngày, một vùng rộng lớn ở phía đông sông Mê Công đã được giải phóng. Quét sạch quân Pôn Pốt đến đâu, các đơn vị bộ đội tình nguyện lại giúp dân ổn định cuộc sống, xay dựng chính quyền cách mạng.
Tôi còn nhớ như in, đêm đầu tiên khi cùng Bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 tiến vào thị trấn Suống thuộc tỉnh Công Pông Chàm, hàng ngàn người dân đốt đuốc đứng hai bên đường hò reo, đón chào các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Tiếng reo hò “Chay dô con tóp Việt Nam” (hoan hô bộ đội Việt Nam) vang lên không dứt. Chúng tôi chứng kiến những cảnh này, tôi liên tưởng đến hình ảnh các chiến sĩ Xô Viết được chào đón khi tiến vào giải phóng các nước Đông Âu khỏi thảm họa phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Lịch sử như được lặp lại và khẳng định một chân lý: Khi một đạo quân làm nghĩa vụ quốc tế với mục đích vô tư, trong sáng, trừng trị cái ác, cứu một đất nước, một dân tộc khỏi thảm họa diệt chủng thì đều được hoan nghênh, chào đón nồng nhiệt.
Hai ngày ở thị trấn Suống Chúp, tôi và anh Thanh Hải tranh thủ xuống các phum, sóc của đồng bào Khmer và một số làng công nhân cao su có đông bà con Việt kiều sinh sống từ những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước thời đi công tra cho các ông chủ người Pháp để tìm hiểu tình hình viết tin bài và lấy hình ảnh.
Sau chặng dừng chân ngắn ở Suông Chúp, tổ phóng viên chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến với Sư đoàn 320 để chuẩn bị tham gia trận đánh giải phóng thành phố Công Pông Chàm. Đây là thành phố lớn thứ ba của Campuchia, có vị trí chiến lược rất quan trọng án ngữ con đường số 7 về Phnôm Pênh và đường số 6 đi Xiêm Riệp, Bát Tam Tăng và sang Thái Lan. Thành phố Công Pông Chàm nằm ngay sát bờ sông Mê Công. Đoạn sông này rất rộng, nhưng chưa có cầu, việc qua lại sông phải băng phà hoặc tàu, thuyền. Con sông như một chiến lũy thiên nhiên cực kỳ lợi hại ngăn bước tiến của bộ đội ta. Phía bờ bên kia sông, địch xây dựng các công sự, phòng tuyến phòng thủ kiên cố để bảo vệ thành phố.
Tối mồng 4/1/1979, tôi ngồi trong hầm tại sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 320, cách bờ sông chừng 500 mét, nghe thiếu tá Lê Nông, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, phổ biến kế hoạch tác chiến. Đây là trận đánh hợp đồng binh chủng với quy mô lớn. Chúng ta thực hiện phương án tác chiến vượt sông bằng sức mạnh. Đúng 4h30 phút ngày 6/1/1979 trận đánh bắt đầu. Cả mặt đất như rung chuyển bởi tiếng nổ của hàng ngàn quả đạn pháo hạng nặng của ta nhằm phá hủy trận địa của địch. Sau một tiếng đồng hồ bắn phá. Pháo hạng nặng chuyển làn bắn vào sâu trận tuyến của địch, pháo của quân đoàn tiếp tục bắn phá trận địa phóng ngự bờ sông. Cùng lúc này, trời sáng rõ, máy bay của ta ném bom, bắn tên lửa tiêu diệt các ổ hỏa lực còn lại, đồng thời ta cơ động 4 chiếc xe tăng và 6 khẩu pháo cao xạ 37 ly đến bờ sông hạ nòng bắn thẳng vào các ổ hỏa lực của địch còn kháng cự.
Trong lúc hỏa lực của ta dội bão lửa vào trận địa địch, bộ đội được lệnh vượt sông. Cứ một xuồng lớn của công binh chở bộ đội, có hai xe tăng lội nước kèm hai bên. Phát hiện ổ kháng cự xuất hiện chỗ nào pháo trên xe tăng bắn thẳng vào đó, đảm bảo an toàn cho bộ đội vượt sông. Tôi ngồi trong công sự gần bờ sông vừa quan sát, vừa ghi chép để viết nhanh bài tường thuật.
Ngay buổi sáng sớm hôm đó, tôi và anh Thanh Hải cũng vượt sông sang thành phố Công Pông Chàm bằng xe lội nước, giữa lúc cuộc chiến đấu trong thành phố vẫn còn tiếp diễn (Anh Thư ở lại giữ xe và cũng sang được sông sau đó băng phà của công binh). Một số nhóm tàn quân địch vẫn cố thủ trong các nhà cao tầng kháng cự. Tiếng súng thỉnh thoảng lại rộ lên ở từng căn nhà, ở từng góc phố. Buổi chiều và buổi tối hôm đó, tôi thức suốt đêm hoàn thành bài tường thuật trận đánh giải phóng thành phố Công Pông Chàm và một số tin bài phản ánh không khí tưng bừng của ngày giải phóng ở các địa phương chúng tôi đã đi qua; các hoạt động giúp dân của bộ đội Việt Nam; những tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Buổi sáng hôm sau, tôi gửi tin, bài nhờ các đồng chí phi công lái máy bay trực thăng quân sự đưa về cơ quan ở TP Hồ Chí Minh.
Sau khi giải phóng Công Pông Chàm, Quân đoàn 3 nhận lệnh triển khai hướng tiến công theo đường số 6 đánh địch ở Công Pông Thom, Xiêm Riệp và Bát Tam Băng. Tổ phóng viên chúng tôi tiếp tục bám sát các hoạt động của Quân đoàn để làm thông tin. Suốt dọc đường hành tiến thần tốc cùng các đơn vị bộ đội tình nguyện, chúng tôi cảm giác như sống lại những ngay hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các đơn vị bộ binh hành quân bằng xe ô tô vận tải có xe tăng, xe bọc thép, pháo binh mặt đất, pháo cao xạ phối hợp. Cuộc tiến công của quân ta thần tốc đến nỗi chỉ huy các đơn vị phải ngồi ngay bên đường để nghiên cứu bản đồ, bàn kế hoạch tác chiến. Bộ đội thì có lúc không kịp nấu ăn, vừa hành quân vừa nhai lương khô. Anh Thanh Hải, anh Thư và tôi cũng vậy, mỗi người một gói mì ăn liền, bóc ra ăn khô, sau đó uống nước thay cơm.
Chặng đường gian nan nhất của chúng tôi là hành quân từ tỉnh Công Pông Thom đến Xiêm Riệp. Để ngăn chặn sự tiến công như vũ bão của bộ đội ta, lính Pôn Pốt đã đào đường phá hủy giao thông, khiến con đường số 6 đã xấu lại càng thêm tồi tệ. Đường xấu và xóc đến nỗi chiếc bình ắc quy trên xe jeep của chúng tôi bị bật tung lên và rớt xuống đường. Sư đoàn 10 phải cho một chiếc xe bọc thép kéo xe jeep của chúng tôi hàng trăm km. Anh Thư lái xe rất vất vả vì lâu lâu dây xích lại bị đứt.
Vật lộn hàng chục tiếng đồng hồ trên đường như vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Xiêm Riệp. Anh Thanh Hải, lúc này phát huy tài tháo vát của một cựu chiến binh kiếm được một chiếc xe vận tải nhẹ màu trắng, lái vòng quanh thị xã vừa quan sát nắm tình hình, vừa kiếm được về một bình ắc quy khác để thay thế. Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ lại thị xã Xiêm Riệp để ngày mai quay trở về nước mang tin bài, ảnh theo kế hoạch và cũng là một đêm đáng nhớ: 11 anh em chúng tôi, trong đó có một số cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 10 chốt lại thị xã hoang vắng, trong lúc đại quân tiếp tục triển khai truy kích địch và lực lượng tiếp quản chưa đến kịp.
Tổ chúng tôi về đến TP Hồ Chí Minh vào những ngày cận tết Nguyên Đán năm 1979, nhưng đó cũng là những ngày bận rộn nhất. Tôi lao vào viết tin, bài. Anh Thanh Hải tất bận tráng, phóng ảnh, dựng maquettte, viết chú thích ảnh. Còn anh Thư thì lo sửa chữa, bảo dưỡng xe, chuẩn bị cho các chuyến công tác tới.
Sau Tết Nguyên đán, theo yêu cầu công tác mới, tổ chúng tôi có thay đổi về nhân sự. Tôi tiếp tục đi với Quân đoàn 3, tổ được bổ sung 3 thành viên mới từ Hà Nội vào tăng cường là anh Nguyễn Đình Cao, từ Ban Biên tập Tin Trong nước, anh Hà Lộc, từ Báo ảnh Việt Nam và anh Trương Sĩ Thiện, báo vụ viên. Các thành viên trong tổ trước đây: Anh Thanh Hải, nhận nhiệm vụ mới tại TP Hồ Chí Minh; anh Lê Trọng Thư sang nhận nhiệm vụ tại đoàn chuyên gia SPK tại Phnôm Pênh, Campuchia.
Đi chiến trường lần này, chúng tôi không đi ô tô theo đường bộ, mà đi bằng máy bay quân sự đến Xiêm Riệp, tiếp tục đi cùng Quân đoàn 3. Đồng thời, để đảm bảo tin, bài kịp thời, cơ quan cũng trang bị cho tổ chúng tôi một máy thu phát 15 oát, một máy ra gô nô phát điện (quay tay), sau này đổi bằng một máy nổ nhỏ. Với sự tăng cường nhân sự và thiết bị, chúng tôi là tổ phóng viên đầu tiên thường trú ở địa bàn xa và dài ngày.
Đây là lần thứ ba tôi đến công tác tại Quân đoàn 3 nên anh em trong Cục Chính trị rất thân thiết, coi tôi như người nhà. Hàng ngày, chúng tôi được dự các cuộc giao ban của Cục để nắm bắt tình hình. Các buổi sinh hoạt chính trị như nghe báo cáo thời sự, nghe phổ biến các nghị quyết của Đảng, chủ trương, kế hoạch công tác tháng, quí của đơn vị chúng tôi cũng được tham dự. Nhiều lần, các đồng chí Thiếu tướng Phạm Sinh, Chính ủy Quân đoàn; Đại tá Lã Ngọc Châu (sau này là thiếu tướng), Phó Chính ủy Quân đoàn lại xuống thăm, động viên chúng tôi.
Các đồng chí còn nhắc nhở Cục Chính trị, Cục Hậu cần quan tâm giúp đỡ chúng tôi trong công việc và giải quyết chính sách, chế độ. Các đồng chí ở phòng Tuyên huấn, phòng địch vận và nhất là các đồng nghiệp ở tờ Tin Quân đoàn thường xuyên cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với chúng tôi trong công việc. Tôi không bao giờ quên được anh Vi, anh Quế (phòng dịch vận), anh Thiên Lương, cán bộ phòng tuyên huấn Quân đoàn, anh Huy Tưởng, cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 320… đã gắn bó với chúng tôi trong suất đợt công tác.
Có lần, tôi đã đi cùng anh Quế xuyên rừng suốt 7 ngày đêm xuống các đơn vị của Sư đoàn 10 trong chiến dịch truy quét tàn quân Pôn Pốt trong vùng rừng núi biên giới với Thái Lan. Còn anh Thiên Lương, tác giả của cuốn “Thú rừng Tây Nguyên” được các em thiếu nhi rất ưa thích, không biết anh chuẩn bị từ bao giờ mà có những tài liệu rất quý về lịch sử khu đền Angkor và thành phố Bát Tam Băng. Nhờ nó mà tôi có những bài viết sâu, chất lượng.
Trong tổ, tôi và anh Hà Lộc thường đi với nhau vì đều còn trẻ và xông xáo. Tuy nhiên, anh Hà Lộc là phóng viên ảnh, nên thỉnh thoảng anh phải mang phim về TP Hồ Chí Minh hoặc Phnôm Pênh để kịp tráng, làm ảnh mẫu, dựng maquette và kịp phát ảnh theo yêu cầu thời sự (lúc đó chưa có máy vi tính và mạng internet như bây giờ). Những lúc như vậy, dĩ nhiên tôi đi một mình khi có việc.
Phóng viên chiến trường là một nghề rất gian khổ và nguy hiểm. Ở chiến trường Campuchia thì sự gian khổ và nguy hiểm còn tăng lên gấp bội, do kẻ địch cực kỳ gian ngoan, xảo quyệt và tàn bạo. Chúng thực hiện triệt để chiến thuật du kích, phân tán lực lượng, trà trộn vào dân, tiến hành các cuộc phục kích, gài mìn, gây nhiều tổn thất cho lực lượng của ta. Mỗi lần chúng tôi đi xuống các đơn vị, theo chiến dịch hay xuống phum, sóc lấy tin, là những lần chúng tôi phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là cái chết. Tuy vậy, cuộc sống và làm việc trong môi trường khó khăn, nguy hiểm ấy, đã giúp tôi rẻn luyện bản lĩnh, có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống và trưởng thành về nghiệp vụ.
Tổ phóng viên chúng tôi đi với Quân đoàn 3 được khoảng nửa năm. Theo bước chân của những người lính tình nguyện, chúng tôi đã đảm bảo tốt tuyến tin cho TTX SPK Campuchia ở một địa bàn rộng lớn ở vùng tây Bắc Campuchia thuộc các tỉnh Xiêm Riệp, Bát Tam Băng, Pua Sát…
Vào giữa mùa mưa năm 1979, Quân đoàn 3 được lệnh cơ động gấp ra bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi chuyển sang đi theo một đơn vị thuộc Quân khu 5 thêm một thời gian ngắn. Sau đó, tôi và anh Đình Cao, anh Trương Sĩ Thiện được lệnh về nhận nhiệm vụ tại đoàn chuyên gia TTXVN tại Phnôm Pênh. Anh Hà Lộc về nhận công tác tại Tổng xã Hà Nội. Cuối năm 1979, tôi lại có hai chuyến công tác trở lại Bát Tam Băng và Pôi Pét, cửa khẩu biên giới với Thái Lan. Đầu năm 1980, tôi về TP Hồ Chí Minh công tác, nhưng vẫn nhiều dịp trở lại chiến trường xưa, đưa tin về các đợt rút quân của quân tình nguyện Việt Nam.