Để có nước sử dụng, các hộ dân nơi đây phải tự khoan giếng. Người dân đã nhiều lần phản ánh và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cung cấp nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phạm Lê Trung, người đã gần 20 năm sinh sống ở hẻm 111 đường Võ Văn Kiệt, khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết: Cách đây hơn 10 năm, các hộ dân ở hẻm 111 từng có nước sạch sử dụng, tuy nhiên khi thành phố Cần Thơ mở tuyến đường Võ Văn Kiệt thì đường nước máy bị cắt. Từ đó đến nay, gia đình ông cũng cùng chung cảnh với những hộ mới chuyển tới. Để có nước dùng, tôi phải khoan giếng lấy nước ngầm nhưng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm phèn nên cũng chỉ dùng cho tắm giặt còn ăn uống thì phải mua từng bình nước lọc.
"Lúc đó chúng tôi hi vọng sau khi đường xong thì sẽ có nguồn nước mới nhưng chờ hơn chục năm vẫn chưa thấy. Trẻ con ở đây do phải tắm nước phèn nên hay bị ghẻ ngứa, bệnh ngoài da. Bây giờ, mỗi tháng riêng tiền mua nước bình để uống, nấu ăn đã tốn hơn 200.000 đồng", ông Trung nói.
Chuyển về sống tại hẻm hẻm 111 từ giữa năm 2015, bà Võ Mai Thảo, chủ nhà số 111T/5, đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết, lúc mới dọn về, bà phải mất rất nhiều thời gian làm vệ sinh bồn nước, nhà tắm, bồn rửa chén vì các nơi này bị đóng phèn rất dày do nhiều năm sử dụng nước giếng khoan.
Chỉ cho phóng viên xem chiếc xô chứa nước bị đóng một lớp phèn đến nỗi không còn nhận ra màu nguyên bản, bà Thảo kể: Ngày đầu mới dọn về, do không biết nguồn nước bị ô nhiễm nên bà dùng nước đó để nấu cơm. Đến khi thấy nước vo gạo chuyển sang màu như đất đỏ thì bà mới hốt hoảng, hỏi thăm hàng xóm thì được biết không chỉ riêng nhà bà mà tất cả những hộ dân dùng nước giếng khoan ở đó đều gặp tình trạng tương tự. Đã hơn 5 năm nay, gia đình bà Thảo chuyển hẳn sang mua nước lọc đóng bình để dùng.
Theo ông Vũ Văn Thụ - một người dân sống tại con hẻm 111, nước lọc chỉ dùng cho ăn uống còn tất cả các sinh hoạt khác, người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan dù biết rõ nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh. "Tôi sống một mình nhưng mỗi tháng cũng hết 15 – 17 bình nước loại 20 lít. Mỗi bình là 12.000 đồng. Chúng tôi mong chính quyền các cấp quan tâm để bà con sớm có nước sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe. Nhà tôi có sổ đỏ, có hộ khẩu, điện có nhưng nước sạch không có", ông Thụ mong mỏi.
Phản ánh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam các hộ dân hẻm 111 cho biết họ nhiều lần kiến nghị xin được cấp nước, thậm chí xin tự đầu tư chi phí đấu nối đường ống nhưng không được chấp thuận. Theo ông Phạm Lê Trung, các hộ dân đã có dự định góp tiền vào để đấu nối với đường ống nước sạch của nhà máy song phía nhà máy nước trả lời không thể thực hiện do UBND phường không cho phép.
"Họ bảo do khu chúng tôi sống là không phù hợp quy hoạch nên không thể cấp nước, nhưng tôi và cũng như một số hộ khác đã sinh sống ổn định ở đây hơn 10 năm rồi", ông Trung nói.
Việc không có nước sạch sinh hoạt, người dân đã kiến nghị tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của quận Bình Thủy. Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cũng đã khảo sát từ năm 2014 nhưng đến nay, nhu cầu bức xúc của bà con vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Bạch Yến - Phó Chủ tịch UBND Phường Long Hòa cho biết, năm 2018, UBND phường nhận được ý kiến của cử tri đề nghị lắp đặt hệ thống nước máy đô thị tại hẻm 111, thuộc tổ 5, khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa. UBND phường đã chuyển đề nghị về Phòng Kinh tế quận Bình Thủy khảo sát để cấp nước theo kiến nghị của cử tri.
"Qua khảo sát thì tuyến đường này nằm trong khu phân lô tách thửa, hộ dân xây nhà không phép. Theo sự chỉ đạo chung của UBND thành phố thì đối với các trường hợp khu phân lô tách thửa, xây dựng nhà không phép thì chưa được phép kéo điện, kéo nước để tránh tình trạng xây dựng nhà không phép diễn ra", bà Yến nói.
Cũng theo bà Trần Thị Bạch Yến, từ kết quả khảo sát trên thì UBND phường Long Hòa đã gửi văn bản về UBND quận Bình Thủy, đề nghị ngưng tạm ngưng đầu tư đường nước máy đô thị tại khu vực tổ 5 của khu vực Bình Nhựt. Hiện phường đang chờ sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố. Công ty Cấp nước Cần Thơ 2 cũng chưa thống nhất đầu tư đường nước máy tại tuyến đường này.
Theo tìm hiểu, sau khi người dân hẻm 111, đường Võ Văn Kiệt phản ánh tình trạng không có nước sạch với một số cơ quan báo chí, UBND quận Bình Thủy đã có văn bản số 2570/UBND-KT do ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch UBND quận ký cho biết quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế đề nghị Công ty Cấp nước Cần Thơ 2 (đơn vị chịu trách nhiệm cấp nước trên địa bàn quận Bình Thủy) phối hợp xem xét, giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân.
Trong khi chờ đợi ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cung cấp nước sạch thì người dân tại hẻm 111, đường Võ Văn Kiệt vẫn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn.