Hơn 1.000 hộ dân 'khát' nước sạch

Trong nhiều năm qua, hơn 1.000 hộ dân xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn trong tình trạng “khát” nguồn nước sạch khi hàng ngày phải sử dụng nguồn nước từ dưới sông để ăn, uống, sinh hoạt. Mong muốn có nguồn nước sạch đối với bà con vùng trũng nơi đây vẫn là một điều xa vời khi hàng ngày họ vẫn phải tự chống chọi bằng cách lọc thủ công…

Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.com.vn.


Mặc dù có địa hình ở vùng thấp trũng nằm bên hạ nguồn con sông Ô Khê chảy qua, nhiều ao hồ sông nước nhưng người dân nơi đây vẫn không thể sử dụng được nguồn nước từ giếng khoan bởi lẽ nước bị nhiễm phèn nặng. Đến thăm gia đình ông Trương Thanh Tịnh (58 tuổi), thôn Đông Trường, xã Hải Trường chúng tôi mới thấy hết nỗi nhọc nhằn để có được giọt nước được cho là “sạch”. Gia đình ông là một trong những hộ hiếm hoi có giếng khoan, giếng của ông chỉ hơn 5m đã có nước, tuy nhiên nguồn nước này sau khi được bơm lên chảy ra đầu tiên nhìn trong vắt, nhưng sau đó chuyển sang màu vàng, đóng cặn dày, nổi lên những vệt bóng loang lổ trên mặt nước. Các vật dụng trong nhà như xô, chậu, gàu múc nước… đều bám màu vàng khè của phèn.

Để xử lý nguồn nước này, ông xây bể lọc thủ công hai tầng bằng xi măng, có cát lọc, mặc dù các hóa chất cũng như lượng phèn tồn đọng còn cao nhưng gia đình ông vẫn sử dụng để làm nước uống, nấu cơm, tắm giặt, sinh hoạt. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tịnh cho biết: Mang tiếng là vùng sông nước nhưng bà con ở đây phải sử dụng nguồn nước bẩn hàng ngày để sinh hoạt. Giếng đào xuống 6m đã có nước nhưng nước bị nhiễm phèn nặng, nếu đào sâu hơn 40m thì nước bị nhiễm mặn, vào mùa hè nước còn có mùi hôi thối nồng nặc. Không chỉ riêng gia đình tôi mà bà con ở đây đều phải xây bể lọc lắng thủ công thô sơ để dùng, gọi là có lọc nhìn nước trong hơn vậy thôi chứ nước vẫn bẩn lắm.

Nước giếng khoan bị nhiễm phèn không sử dụng được, nên hầu hết các hộ gia đình ở đây đều sử dụng nguồn nước trực tiếp gánh từ sông về dùng. Từ tờ mờ sớm các thùng chứa nước được người dân ghồng gánh ra bến lấy sớm vì thời điểm này được cho là lúc nước sông “sạch” nhất không bị đục, hay vướng rác thải, phân gia súc do xã trên chăn nuôi đổ về. Nguồn nước này cũng chỉ được lọc qua loa rồi đem vào sử dụng ăn uống sinh hoạt cho cả nhà. Chẳng ai dám chắc rằng sẽ bảo đảm vệ sinh khi mà nó được lọc một cách thô sơ từ nguồn nước sông với nhiều tạp chất từ phân vịt, xác động vật, cả phân hóa học và thuốc trừ sâu trên các đồng ruộng trôi nổi đổ về.

Bà Trương Thị Thẻo (72 tuổi), thôn Đông Trường, xã Hải Trường cho biết: Không chỉ gia đình tôi mà toàn bộ các hộ gia đình trong thôn Đông Trường đều phải xách nước từ sông lên để ăn uống, sinh hoạt rất là cực khổ. Mùa mưa thì nước lụt từ trên thượng nguồn đổ về nước sông đục ngàu cuốn theo xác động vật chết, rác thải trôi về dưới này. Mùa hè thì nước thải từ các ruộng lúa, hoa màu mang theo thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, bên cạnh đó các hộ chăn nuôi của xã bên thi nhau thải chất bẩn trong chăn nuôi ra sông, người dân thôn chúng tôi đều phải chịu. Nước bẩn, chỉ được lọc thủ công nên dễ mắc bệnh: ghẻ ngứa, phụ khoa, tiêu chảy, dị ứng… Chúng tôi già rồi không sao, chỉ thương cho mấy đứa trẻ thế hệ sau này nếu ăn uống phải những chất độc trong nguồn nước như vậy ảnh hưởng đến sự phát triển của tương lai. Mong sao các cấp chính quyền quan tâm đến bà con xây cho người dân công trình nước sạch để sử dụng chứ người dân nơi đây quá khổ…

Mong muốn của bà Thẻo cũng là ước mơ chung của người dân trên địa bàn xã Hải Trường. Theo báo cáo của UBND xã Hải Trường, hiện trên địa bàn xã có 80% với trên 1.100 hộ trên tổng số 1.200 hộ dân của xã thiếu nước sạch sinh hoạt ở các thôn: Đông Trường; Đội 1,2,3 của thôn Mỹ Trường; hơn 1 nửa số dân thôn Hậu Trường; xóm Luồng, Đội 4 thôn Trung Trường… đều phải lấy nước sông để sử dụng trong sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có 17 hộ may mắn được sử dụng nước sạch do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ xây dựng một hệ thống giếng bơm lọc trong năm 2012 nhằm giúp người dân có nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, đó chỉ là một con số rất nhỏ của xã Hải Trường. Người dân ở đây hàng ngày vẫn đang sử dụng nguồn nước sông với nỗi lo nơm nớp về bệnh tật trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Họ vẫn mòn mỏi, khao khát trông đợi các cấp chính quyền “thấu hiểu” chung tay hỗ trợ để người dân có nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh để sử dụng. Hàng ngày hơn 1.000 hộ dân nơi đây vẫn sử dụng nguồn nước bẩn trên sông, nguy cơ bệnh tật trên từng mâm cơm, nước uống… của các gia đình vẫn hiện hữu, và ước mơ về một nguồn nước sạch vẫn xa vời chưa có lời đáp từ cấp trên.

Ông Nguyễn Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Trường cho biết: Hơn 1.000 hộ dân thiếu nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt vẫn là một thực trạng đáng nhức nhối trong những năm qua tại địa phương. Do không có nước sạch, nguồn nước giếng khoan lại bị phèn nên hầu hết bà con lấy nước sông để sinh hoạt. Nguồn nước này mang nhiều mầm bệnh do các công trình vệ sinh, các trang trại chăn nuôi, nguồn nước thuỷ lợi từ đồng ruộng có thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật trôi nổi… thải ra. Vì sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh có nhiều trường hợp bị mắc các bệnh về hệ tiêu hoá, ngoài da, phụ khoa… UBND xã đã nhiều lần làm tờ trình đề nghị cấp trên và kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ xây dựng hệ thống nước sạch tại địa phương cho người dân đỡ khổ tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Thiết nghĩ các cấp chính quyền cần chung tay hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống nước sạch để để nguồn nước sử dụng không còn là nỗi lo, ám ảnh kinh hoàng trong lòng mỗi người dân nơi đây...


Thanh Thuỷ

Hà Nội: Nước uống đóng chai nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao
Hà Nội: Nước uống đóng chai nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao

Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, lấy 34 mẫu nước uống đóng chai của các cơ sở trên địa bàn để xét nghiệm, trong đó phát hiện 5/18 mẫu bị nhiễm vi khuẩn coliform. Lực lượng chức năng đã xử lý các cơ sở này theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN