Hơn 28 năm đi tìm đồng đội

Hai mươi tám tuổi, vừa cưới vợ xong được mấy tháng lại còn đã được đơn vị cử đi học nâng cao trình độ dành cho sĩ quan thông tin, anh bộ đội Hồ Trọng Bình vẫn quyết xin được sang Lào làm nhiệm vụ đặc biệt là đi tìm hài cốt liệt sĩ và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Lào. Thấm thoắt đã gần 30 năm, đến nay dù sức khỏe không còn như trước nhưng anh vẫn miệt mài đi tìm mộ liệt sĩ.


Chỉ 2 ngày sau khi nhận thông báo của đơn vị về việc được cử đi học thì anh Hồ Trọng Bình, khi đó đang công tác tại E764 của tỉnh Nghệ An, lại biết tin đơn vị thông báo chọn người đi làm nhiệm vụ đặc biệt: Quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại nước bạn Lào. Gác quyền lợi học tập sang một bên, không đắn đo suy nghĩ, anh lập tức xin đi.


Thượng tá Hồ Trọng Bình bên vợ và 3 người con. Người con cả nay cũng tham gia quân đội. Noi gương bố, cô chọn một ngành nghề vốn được cho là quá vất vả với con gái.


Nhớ lại lựa chọn lúc đó, anh chia sẻ: “Mình đã từng cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Nhiều đồng đội của mình đã hy sinh. Lúc còn chung chiến hào chiến đấu, chúng tôi đã từng thề với nhau rằng sau này đứa nào còn sống thì sẽ đi tìm những đứa đã hy sinh để đưa về quê nhà”.


Thế là, năm 1984, khi vừa 28 tuổi, vừa cưới vợ xong, anh Bình đã quyết tâm khoác ba lô sang Lào tìm kiếm mộ liệt sĩ để thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa. “Tôi đã nghĩ, sau này khi đã xong nhiệm vụ, trở về rồi đi học cũng chưa muộn. Thế nhưng đến nay, dù đã đi tìm mộ liệt sĩ suốt hơn 28 năm nhưng tôi vẫn thấy mình còn nợ các đồng đội đã hy sinh nhiều lắm”.


Hễ nơi nào có hài cốt liệt sĩ là đi


Những ngày mới sang Lào, anh Bình được phân công vào đội tìm kiếm ở khu vực đường 8, thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn. Khi đó, anh là một trong số ít những người trẻ tuổi nhất đội nhưng được tin tưởng giao trọng trách làm đội trưởng chỉ huy một đội gồm 20 người, trong số đó, có người đã trên 50 tuổi.


Đã gần 30 năm trôi qua nhưng trong lòng Thượng tá Hồ Trọng Bình, hình ảnh và kỷ niệm về những ngày mới sang làm nhiệm vụ đặc biệt trên nước bạn vẫn còn rất rõ. Khi mới sang, tình hình an ninh còn phức tạp, để làm việc, anh em phải dựng lán ở trong rừng. Trong thời buổi cả nước còn khó khăn, cá nhân anh và anh em trong đội quy tập đã trải qua những thời điểm vô cùng gian nan, thiếu thốn. Có đợt, bữa ăn ngày thường của các anh chỉ có món rau rừng thay cơm.


Mới 28 tuổi, chưa bao giờ đi bốc mộ, thậm chí chưa bao giờ can đảm lại gần xem người khác bốc mộ, lúc đi qua nghĩa địa còn phải nắm chặt tay cho khỏi sợ nên khi lần đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, anh Bình rất lo lắng “như người lính ngày đầu ra trận vậy”.


Tuy nhiên, ngay từ khi tiến hành cất bốc một hài cốt liệt sĩ đầu tiên trong số hơn 30 hài cốt liệt sĩ ở khu vực đường 13, nỗi lo sợ đó biến mất kể từ lúc gạt đi những lớp đất rừng, tận mắt anh trông thấy một chiếc mũ đội đầu của liệt sĩ có hình ngôi sao Tổ quốc. Đây là phần hài cốt của một liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Anh Bình nhớ lại: “Nhìn hài cốt và di vật liệt sĩ để lại, bỗng nhiên khi đó, tôi không còn thấy sợ chút nào. Thay vào đó là một tình cảm thân thương và trân trọng. Cũng hiểu rằng, mình phải có trách nhiệm tìm các anh để đưa về quê hương. Trong đội lúc bấy giờ, ai cũng cảm nhận tình cảm và trách nhiệm thiêng liêng với các liệt sĩ đã hy sinh”.


Ngày mới sang, địa bàn đóng quân của đơn vị là huyện Căm Cớt, tỉnh Bu Ly Khăm Xây của nước bạn Lào. Nhưng quá trình hoạt động của anh em toàn đội linh hoạt xung quanh các khu vực thuộc tuyến đường 13 (giáp Thái Lan), thuộc địa bàn tỉnh Khăm Muộn và Bu Ly Khăm Xây.


Sau này cũng vậy, khi đơn vị có trụ sở kiên cố hơn, anh cùng đồng đội không ở cố định tại đó. “Ở bất cứ khu vực chiến trường nào, cứ nghe tin có mộ liệt sĩ là chúng tôi có mặt”, anh Bình quả quyết.


Gắn bó với Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Nghệ An từ những ngày đầu thành lập đến nay, anh đã là Đoàn trưởng, góp công tìm kiếm, cất bốc được 11.979 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về nước, trong giai đoạn từ năm 1984 đến mùa khô 2011 - 2012.


Còn càng ít hài cốt cần quy tập, nhiệm vụ càng khó khăn


Theo con số bàn giao ban đầu, có trên 12.800 phần mộ cần tìm kiếm, quy tập. Theo Trung tá Nguyễn Việt Hồng, Trưởng Ban Chính sách của Tỉnh đội Nghệ An, hiện nay, số lượng hài cốt cần quy tập còn ít hơn nhưng công việc của Đoàn quy tập lại khó khăn hơn trước.


Những phần mộ liệt sĩ còn lại hầu hết nằm ở vùng sâu, cách khu lán trại của đội quy tập phải 3 đến 5 ngày đường trèo đèo vượt suối. Nhiều vùng từng là căn cứ địa năm xưa, nay cây rừng đã phủ kín thành đại ngàn. Có nghĩa trang phải tập trung toàn lực lượng phát hàng nghìn mét vuông cây dại mới phát hiện được các phần mộ. Có nghĩa trang, tre rừng đã mọc phủ trùm lên vài ba chục mét vuông dày đặc, phải đào hầm ếch luồn dưới gốc tre để lấy hài cốt.


Hàng chục năm lặn lội rừng già, đến khắp hàng nghìn thôn, bản tìm đồng đội, với những cống hiến, anh Hồ Trọng Bình đã được nhận nhiều khen tặng của cả trong và ngoài nước. Hiện nay, anh được trao tặng nhiều Huân chương của Nhà nước Việt Nam và Lào.


Nhiều cái Tết vắng nhà


Vì đặc thù công tác, năm nào cũng có khoảng 6 tháng liên tục Thượng tá Hồ Trọng Bình “đóng đô” ở Lào (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau). Những tháng khác, anh thường xuyên sang kiểm tra công việc ở bên Lào.


Gần 30 năm đi tìm đồng đội, những cái Tết vắng nhà đã trở thành một điều rất bình thường. Hai Tết liền nhau, vào năm 1996 và 1997, vì nhiệm vụ, anh cũng không về sum vầy với gia đình. Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, anh mới được về ăn Tết thường xuyên.


“Trước những năm 2000, điện thoại còn chưa phổ biến như giờ, vợ chồng, bố con chỉ liên lạc qua thư tay. Tết nào anh không về thì gửi thư, gửi quà qua các anh em trong đơn vị về cho vợ con”, chị Nguyễn Thị Sâm - vợ Thượng tá Hồ Trọng Bình kể.


Câu cửa miệng của nhiều người: “Làm vợ bộ đội là phải chấp nhận hy sinh nhiều lắm” - với chị Sâm, không có gì lạ lẫm. Ngày anh nói quyết định lên đường sang Lào làm nhiệm vụ tìm hài cốt đồng đội, khi cưới nhau chưa tròn năm là một điều quá bất ngờ với chị - khi đó là cán bộ Công ty giống trồng rừng Nghệ Tĩnh. Có thắc mắc, nhưng hiểu tính chồng đã quyết gì thì không ai ngăn cản được, hơn nữa, đã xác định lấy vợ bộ đội là phải chấp nhận nên chị vẫn chu toàn công việc nội ngoại hai bên để chồng yên tâm công tác. Vất vả nhất là những lúc mẹ ốm, con đau. Đợt gần nhất là năm 2010 và 2011, chị bị ốm nặng, phải đi viện khắp Hà Nội. Chỉ khi đó, anh mới chịu xin nghỉ phép 5 ngày để về đưa vợ đi bệnh viện rồi lại sang Lào ngay.


“Hiểu tính vợ hay lo, anh ấy cũng không kể nhiều về những vất vả khi làm bên Lào”, chị Sâm thổ lộ. Vất vả và lo lắng là vậy nhưng trong lòng chị chưa một lần dao động. Chị luôn động viên chồng: “Anh đi làm nhiệm vụ quốc tế, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành. Ở nhà mẹ con em vất vả mấy cũng lo được”.



Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN