Một trong các biện pháp được áp dụng là hạn chế số lượng lon sữa mà mỗi du khách được phép mang ra khỏi thành phố.
Đại diện của cơ quan y tế Hong Kong Ko Wing-man cho biết thành phố này sẽ sửa luật nhằm cấm mang quá 1,8kg sữa bột ra khỏi thành phố. Lượng sữa này tương đương 2 hộp.
Người dân Trung Quốc đại lục đang tìm cách mua sữa ở nước ngoài cho con sau hàng loạt vụ bê bối sữa nhiễm bẩn. Năm 2008, sữa bột nhiễm melamine khiến 6 em bé thiệt mạng và 300.000 trẻ sơ sinh bị bệnh. Mùa hè năm ngoái, Công ty sữa Yili phải thu hồi sữa trẻ em vì chứa lượng thuỷ ngân bất thường. Cũng vào thời gian đó, hãng sữa Hunan Ava Dairy phát hiện loại nấm gây ung thư trong 5 lô sữa trẻ em.
Người Trung Quốc đổ xô sang Hong Kong mua sữa sau hàng loạt vụ bê bối
sữa bẩn ở đại lục.
Mục đích Hong Kong sửa luật là nhằm hạn chế những người buôn từ Trung Quốc sang đặc khu tự trị này để mua các mặt hàng tiêu dùng như sữa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà vệ sinh, đồ điện tử để mang về đại lục bán, và họ cũng không bị đánh thuế trên những mặt hàng đó. Người dân Hong Kong rất khó chịu với tình trạng này vì nó gây ra sự khan hiếm hàng, nhưng theo luật hiện nay của thành phố tự trị thì điều đó không phạm pháp.
Người Hong Kong ngày càng bất mãn, gọi dân đại lục là “châu chấu” vì họ vơ vét mọi thứ, từ mua căn hộ, các mặt hàng cao cấp đến đồ tiêu dùng. |
“Chúng tôi cảm thấy rằng chuỗi cung ứng sữa bột trẻ em rơi vào khan hiếm là có liên hệ trực tiếp với hiện trạng buôn ngang của người đại lục”, ông Ko nói.
Ngoài ra, một đường dây nóng cũng được lập ra để các bậc cha mẹ có thể gọi điện đặt hàng nếu các cửa hàng hết sữa. Hongkong cũng sẽ hợp tác với lực lượng chức năng của đại lục để kiểm tra khách du lịch, và giới hạn trọng lượng hành lý mà du khách được mang theo.
Những du khách với nhiều hành lý khệ nệ vì túi chất đầy hàng hoá là cảnh tượng thường thấy tại các bến tàu gần biên giới giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Tranh cãi xung quanh vấn đề sữa bột trẻ em cho thấy việc buôn bán qua biên giới đang là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa người Hong Kong và Trung Quốc sau 15 năm thuộc địa cũ của Anh được trả lại cho Bắc Kinh.
Từ đó đến nay, Hong Kong trở thành cục nam châm hút khách du lịch đại lục, với khoảng 35 triệu lượt người vào năm ngoái, gấp 5 lần dân số hiện nay của thành phố. Lý do là bởi họ được mua sắm miễn thuế các mặt hàng chất lượng cao và giá trị của đồng nhân dân tệ mạnh hơn đô la Hong Kong. Người Hong Kong ngày càng bất mãn, gọi dân đại lục là “châu chấu” vì họ vơ vét mọi thứ, từ mua căn hộ, các mặt hàng cao cấp đến đồ tiêu dùng.
Theo khampha.net