Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Kon Tum), địa bàn tỉnh có các tuyến quốc lộ đi qua với nhiều đoạn đường đèo nguy hiểm như: đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh; đèo Văng Rơi trên tuyến Quốc lộ 40B; đèo Măng Đen, đèo Vi ô lắc trên Quốc lộ 24; đèo Ngọc Vin trên Quốc lộ 14C… Vì vậy, các lái xe phải đặc biệt chú ý. Các xe ô tô tải, ô tô khách, những xe có tải trọng lớn trước khi đổ đèo cần phải nghỉ, kiểm tra lại hệ thống phanh, lái, làm mát lốp xe. Khi đổ đèo, lái xe bắt buộc phải chú ý các biển báo, cảnh báo về giao thông. Tài xế cần về số thấp, tránh gây áp lực thường xuyên lên hệ thống phanh có thể gây cháy phanh, mất tác dụng của phanh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tại tỉnh Kon Tum cũng như khu vực Tây Nguyên, tình trạng vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra như: xe ô tô chở quá tải trọng; người dân đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Các tuyến giao thông trong khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và chính quyền, ngành chức năng các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.