Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề: "Hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững".
Bài 1: Đất là sự sống
Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” (Land restoration, desertification and drought resilience), Ngày Môi trường thế giới năm 2024 kêu gọi các quốc gia chung tay thực hiện những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và nâng khả năng chống hạn hán, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực.
Đảo ngược quá trình suy thoái đất
Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, cung cấp nguồn vật chất năng lượng trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của con người và thế giới sinh vật. Suy thoái đất làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và giảm đa dạng sinh học; đồng thời góp phần gây ra hạn hán, cháy rừng, di cư không tự nguyện và sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất.
Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta". Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa; làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu; thúc đẩy sinh kế, giảm nghèo. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng.
Việt Nam không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm. Theo kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội năm 2021 (Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa gần 12 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó 1,2 triệu ha bị thoái hóa nặng; gần 3,8 triệu ha bị thoái hóa trung bình và hơn 6,8 triệu ha bị thoái hóa nhẹ.
Đất canh tác, suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: Đất có nguy cơ suy thoái, đất có dấu hiệu suy thoái, đất đã bị suy thoái và cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo.
Diện tích sa mạc của Việt Nam hiện nay không đáng kể. Đó là kết quả của các giải pháp căn bản và mang tính chiến lược để bảo vệ đất như phát triển rừng, canh tác nông nghiệp và sử dụng đất hợp lý, lâu bền gắn với việc giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Chủ động thực hiện các cam kết
Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của suy thoái đất, sa mạc hóa, ngày 19/8/1998, Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước chống sa mạc hóa. Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện trách nhiệm nước thành viên Công ước; trong đó điển hình là cam kết thực hiện “Mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất Việt Nam”. Bằng việc xây dựng đường cơ sở suy thoái đất (LD-Baseline) thông qua Bản đồ thảm phủ và sử dụng đất tại Việt Nam, đánh giá xu hướng và nguyên nhân suy thoái đất, Việt Nam đã đưa ra những cam kết cho việc phục hồi suy thoái đất mà nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững là giải pháp căn bản.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu huy động các lực lượng trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở đô thị và nông thôn, cùng hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung. Triển khai dự án, đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt 121% so với kế hoạch, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố này đến năm 2030.
Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất; đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định. Đồng thời, nước ta phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030.
Quản lý, sử dụng đất bền vững cũng được Việt Nam đặt lên mối quan tâm hàng đầu nhằm chống suy thoái đất. Ngày 17/3/2023, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết số 37/NQ-CP) Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; trong đó có nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.
Bài cuối: Quyết tâm cụ thể, hành động thiết thực