Giá trôi nổi
Gia đình chị Hồng Linh ở Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có người nhà F0. Gia đình chị được hướng dẫn y tế của phường, bác sĩ về đơn thuốc, cũng như cách điều trị F0 tại nhà.
Cùng với đó, chị Hồng Linh cũng như nhiều gia đình lựa chọn cách cách xông nhà, làm sạch không khí bằng hương liệu: Lá xông, đốt hương liệu trong nhà, xức dầu gió…
Đến chợ Dịch Vọng, chị Hồng Linh mua 5 bó lá xông, nhưng khi tính tiền, chị "ngã ngửa" khi bình thường mỗi bó có giá từ 6.000 - 10.000 đồng, nhưng nay đã tăng lên 20.000 đồng. Than thở với người bán hàng thì được đáp lại, “do nhiều người mua để xông, không có hàng để bán...”. Nhìn nắm lá xông, chị H.L ngậm ngùi trả tiền...
Không chỉ lá xông, những nguyên liệu như gừng, tỏi cũng tăng giá nhiều hơn so với trước. Người bán lý giải về việc hàng Tết tăng giá hơn, nhưng chủ yếu do nhu cầu người mua cao, nên giá cũng tăng theo.
Những cửa hàng bán online trên cũng tự tăng giá. Mỗi bó lá xông có giá 35.000 đồng, có nơi lên tới 50.000 đồng khi có thêm vỏ bưởi. Chị Mai Minh (Khu đô thị Gamuda, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Giá lá xông nhảy múa là chuyện bình thường, vì nhu cầu cao. Giống tình trạng khẩu trang năm ngoái thôi...".
Một số gia đình chọn những bếp gốm nhỏ để xông quế, bồ kết, xả để làm sạch không khí. Nhưng mức giá của những lò gốm đốt hương liệu này cũng không ổn định. Có nơi bán với mức giá lên tới 200.000 - 250.000 đồng/bếp với nguyên liệu kèm theo như nến, quế, bồ kết. Tuy nhiên, cũng có shop online bán chỉ với mức giá 75.000 đồng/bếp.
Chị Hạnh Quỳnh, một chủ shop online ở Hà Nội cho biết: “Năm ngoái, lò gốm xông kiểu này đắt hàng. Nhưng năm nay có phần hạ nhiệt hơn. Tôi chỉ dám bán ở mức giá 150.000 đồng/bếp kèm theo nguyên liệu để chia sẻ với khách hàng quen”.
Hướng dẫn xông nhà, làm sạch môi trường
Theo hướng dẫn của các bác sĩ, việc sử dụng quá nhiều hương liệu cùng lúc không cần thiết. Có 2 kiểu xông là xông giải cảm và xông mũi họng. Xông giải cảm là trùm chăn lại để hơi nóng và tinh dầu từ bình xông/nồi xông giúp vã mồ hôi, nhân tiện xông luôn mũi họng. Thậm chí, các lá xông, hương liệu chỉ có tác dụng làm sạch không khí, môi trường xung quanh.
Theo lời khuyên của các bác sĩ thì bệnh nhân nhiễm COVID-19 nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của y tế phường. Bệnh nhân có thể xông phòng và rửa mũi, súc họng bằng nước lá hàng ngày. Tuy nhiên, không nên xông lá trực tiếp.
Trong chương trình tư vấn F0 tại nhà, BSCKII. Nguyễn Trung Sơn, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, việc xông lá nên theo hai phương pháp. Cụ thể, nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200 - 400 g, tuỳ theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Phương pháp thứ hai được bác sĩ Nguyễn Trung Sơn chỉ ra là nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Tùy theo diện tích phòng (10 - 40 m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 - 3 lần.
Tuy nhiên, người bệnh không được xông trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi; trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.