Hướng nghiệp, đào tạo nghề cho trẻ em tại địa phương là cách tốt nhất để chống bóc lột lao động trẻ em, hay trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, hướng nghề gì và đào tạo như thế nào cho phù hợp với từng em và từng hoàn cảnh gia đình của các em đang là bài toán không dễ cho nhiều địa phương...
Dạy nghề chưa phù hợp với từng địa phương
Giáo dục định hướng nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ của trường phổ thông. Trẻ em được giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THCS và sau khi tốt nghiệp THPT, các em phải được học một nghề. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động này chưa hiệu quả, nên hầu hết trẻ em sau khi tốt nghiệp THPT chưa có một nghề cụ thể nào, thậm chí việc lựa chọn nghề nghiệp vẫn mang tính tự phát, theo nhau… Đó là chưa nói đến những trẻ em mới tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Lớp học nghề thêu hạt cườm cho trẻ em lang thang hồi hương và trẻ em có nguy cơ lang thang tại xã Phú Thịnh, huyện Kim Động (Hưng Yên). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Ngoài ra còn một số đơn vị khác cũng có nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp cho thanh thiếu niên như các trung tâm giới thiệu việc làm, dạy nghề cho thanh thiếu niên. Thế nhưng, theo Tổ chức ILO, cả 8 tỉnh/thành phố điều tra, số lượng các cơ sở này còn rất thiếu và phân bổ chưa hợp lý, thường chỉ tập trung ở các khu vực thành thị. Vì vậy số lượng thanh thiếu niên được tiếp cận giáo dục định hướng nghề nghiệp rất ít, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đối với trẻ phải lao động sớm, phần lớn bị hạn chế về trình độ văn hóa, sức khỏe nên rất khó để theo học những nghề phù hợp theo nhu cầu của thị trường lao động. Bởi những nghề này thường yêu cầu có sức khỏe và trình độ văn hóa nhất định.
Mặt khác, nhiều địa phương tổ chức các khóa đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu của các em khiến việc đào tạo trở nên hình thức và lãng phí. Ví dụ điển hình là TPHCM đã từng đề ra những giải pháp dạy nghề cho trẻ em đường phố, trẻ em tự làm để các em có thể trở về quê tìm việc. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế và Viện Khoa học Lao động và xã hội cuối năm 2009 tại TP.HCM cho thấy: Ở đây có đào tạo nghề nhưng chỉ phổ biến các lớp dạy nghề phù hợp với thị trường lao động của thành phố (như nghề cuốn dây động cơ điện, khoan giếng nước ngầm, điện lạnh, may công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn...). Những nghề này dễ kiếm việc ở thành phố nhưng lại không dễ ở nông thôn. Vì vậy dù dã có nghề nhưng khi về quê, các em cũng không thể tìm được việc làm phù hợp và lại quay về thành phố kiếm sống.
Cần sự chung tay của xã hội
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là nơi có khá đông trẻ em tham gia lao động sớm. Với đặc thù là một địa điểm du lịch nên hướng các em theo nghề dịch vụ du lịch là thích hợp. Một số tổ chức đã mở các lớp dạy tiếng nước ngoài cho trẻ em bán hàng rong hoặc đào tạo cho các em kỹ năng hướng dẫn, phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, một số nơi còn hướng dẫn cho trẻ em kỹ năng sống, đào tạo nghề dệt vải cho trẻ em gái. Ví dụ các làng nghề truyền thống đã tổ chức truyền nghề cho lao động trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như nghề dệt thổ cẩm, dệt đay lanh, nghề thêu ren,…
Báo cáo nghiên cứu về lao động trẻ em ở 8 tỉnh thành phố của Tổ chức ILO và Viện Khoa học lao động và xã hội cho thấy, đa phần các em phải tham gia lao động ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và đều có nguyện vọng được đào tạo nghề, có công việc ổn định để kiếm sống, giúp đỡ gia đình. Hầu hết số này chủ yếu lao động tại địa phương với các công việc nhà nông hoặc các công việc sẵn có theo truyền thống ở địa phương Khi được hỏi các em cho biết phải bỏ học sớm vì hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình quá khó khăn. |
Một số địa phương khác lại có cách làm riêng như kéo các cơ sở dạy nghề của địa phương mình vào cuộc hoặc khuyến khích đào tạo nghề từ thiện. Điển hình thành công theo cách này là xã Thạch Trung (Hà Tĩnh). Ông Đặng Đình Phong- Phó Chủ tịch xã cho biết: “Năm 2008, xã tổ chức một khóa đào tạo nghề cho 7 em thuộc diện gia đình khó khăn. Các em này đã nghỉ học hoàn toàn và đi bán hàng rong, phụ hồ, đào hố trồng cây... những công việc hết sức vất vả đối với các em. Chúng tôi tự thấy phải giúp đỡ những trường hợp này và đã gửi các em vào học nghề tại một cơ sở sửa chữa xe gắn máy tư nhân. Sau 6 tháng học nghề, các em đã được nhận vào làm thợ sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa xe máy trên địa bàn với mức lương tốt hơn rất nhiều so với trước đó...".
Điều này cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động trẻ em nếu có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cộng với sự quan tâm của cộng đồng để có đầu ra cho các em chắc chắn sẽ thực tế và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo Tổ chức ILO thì vấn đề quan trọng vẫn phải là kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến cơ sở, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng, quyền hạn của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp. Đồng thời phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em như các mô hình tư vấn cho trẻ em về pháp luật, định hướng nghề nghiệp... Đặc biệt có các chính sách cụ thể hỗ trợ đối tượng là lao động trẻ em trong giáo dục, định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề; hỗ trợ về y tế - chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, cũng cần có những chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động bị mất đất ở các vùng ven, nhằm hạn chế lao động di cư ra các thành phố lớn tìm kiếm việc làm, qua đó giảm thiểu lao động trẻ em di cư...
Hiếu Dũng