Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị, tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch…
Đối với các tỉnh, thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển tăng cường hơn nữa các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ. Trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm, sự kiện, phong trào, chương trình hành động để hưởng ứng và tạo giá trị lan tỏa cao.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 trên toàn quốc.
Các đơn vị, cơ quan, địa phương đẩy mạnh lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường…; thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp nhóm đối tượng.
Các đơn vị, địa phương phát hiện, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Thông tin, tài liệu truyền thông của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ http://www.monre.gov.vn/; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ https://monremedia.vn/.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm).
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì phát động hưởng ứng đã được các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hưởng ứng và tạo được sức lan tỏa và sự chuyển biến quan trọng tới toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, điển hình như các phong trào: ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh, làm sạch biển, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, triển khai tuyên truyền đưa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vào cuộc sống dân sinh…