Hướng về miền Trung với chiến dịch “Hãy làm sạch biển”

"Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao cho miền Trung thì trước hết hãy đóng góp bằng những hành động nhỏ như không xả rác ra biển" là lời kêu gọi của Ban Tổ chức Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tới tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đông đảo đoàn viên, thanh niên đã cùng chung tay tham gia các hoạt động tình nguyện bắt đầu tại bờ biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) ngày 9/5 và tiếp tục hành trình tại các bãi biển của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia làm sạch bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế sáng 12/5. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Đây là những địa phương đang "nóng" về tình hình cá chết trôi dạt vào bờ biển trong thời gian qua. Anh Vũ Minh Lý, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên về mục đích, ý nghĩa của Chiến dịch và tâm huyết của đông đảo bạn trẻ tình nguyện đóng góp sức cho hoạt động thiết thực này.

Thưa anh, vào thời điểm này, Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" đang diễn ra tại những địa phương là điểm "nóng" về tình hình cá chết trôi dạt vào bờ biển, anh có thể cho biết Chiến dịch hướng đến điều gì và muốn gửi gắm điều gì?

Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp triển khai với sự hỗ trợ của Tập đoàn Sun Group nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi và nhân dân về bảo vệ môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Chiến dịch còn phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường; đồng thời hỗ trợ, động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh này tiếp tục ra khơi bám biển, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, phát triển kinh tế để vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Chiến dịch đã triển khai tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tỉnh chương trình gửi tặng ngư dân 1.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng, bao gồm 200.000 đồng tiền mặt và 300.000 đồng hiện vật, nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt. Tổng số tiền cho đợt cứu trợ là 2 tỷ đồng.

Ban Tổ chức đã hỗ trợ toàn bộ các phương tiện vật chất như áo, mũ, găng tay, kẹp rác, túi đựng rác, nước uống… để các tỉnh thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường biển với tổng số 4.000 thanh niên tình nguyện (mỗi tỉnh 1.000 bạn).

Nhiệm vụ của các đội hình này là tiến hành thu gom rác thải, tiêu độc, khử trùng nguồn nước, trồng mới cây xanh rừng ngập mặn, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc khu vực ven biển; tham gia tuyên truyền cho thanh thiếu nhi và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ rừng ngập mặn.

Để phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của thế hệ trẻ tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, Chiến dịch đã thu hút đông đảo các đoàn viên, thanh niên hưởng ứng ra sao? Anh có đánh giá gì về suy nghĩ, tâm huyết của những bạn trẻ tham gia tình nguyện chương trình này?

Đây là một chiến dịch thực sự mang nhiều ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường biển, vừa tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Những hoạt động thiết thực như vậy luôn là môi trường rất sinh động để các bạn trẻ được trải nghiệm vốn sống, hiểu và kịp thời chia sẻ khó khăn với quê hương, đất nước và bà con ngư dân.

Vì vậy, "Hãy làm sạch biển" không phải là khẩu hiệu, đó là một chiến dịch với triệu hành động của các bạn thanh niên, sinh viên tình nguyện, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc các tỉnh, thành phố ven biển. Chúng ta cùng quyết tâm hành động để môi trường biển Việt Nam ngày càng sạch sẽ, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và cũng chính là giữ gìn môi trường sống của mỗi người chúng ta.

Ngay khi chương trình được triển khai, các bạn đoàn viên thanh niên trên cả nước đã hưởng ứng rất nhiệt tình bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc tuyên truyền về chiến dịch được triển khai rộng khắp, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Trên hệ thống truyền thông internet (đặc biệt là facebook), các bạn đoàn viên thanh niên đã thể hiện sự ủng hộ Chiến dịch bằng cách avatar và cover cho facebook. Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng kịp thời đưa tin, phản ánh kết quả hoạt động, tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân và cộng đồng xã hội.

Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của chương trình, rất nhiều các bạn thanh niên đã gửi tin nhắn, gọi điện về cho Ban Tổ chức xin đăng ký tham dự chương trình. Tại 4 tỉnh nơi diễn ra chiến dịch, nhân dân tại địa bàn hưởng ứng rất tích cực, tại mỗi điểm diễn ra, luôn có trên 1.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện và người dân tham gia.


Hiện trên truyền thông và mạng xã hội có một số thông tin cho rằng "các bạn trẻ tham gia tình nguyện không nhiệt tình", "chương trình chỉ mang tính hình thức, hời hợt"... Là thành viên Ban Tổ chức, anh có đánh giá gì về những ý kiến này. Nếu có thực trạng đó thì Ban Tổ chức sẽ có những giải pháp gì để những chương trình tới được triển khai hiệu quả hơn?

Điều Ban Tổ chức luôn hướng tới đó là “tình nguyện thật”. Và khi chiến dịch triển khai, Ban Tổ chức luôn xác định nhiệm vụ của mình là truyền cảm hứng cho cộng đồng và giới trẻ trong bảo vệ môi trường biển, nâng cao ý thức khi tham gia các hoạt động trên bờ biển.

Ban Tổ chức rất vui mừng khi thấy các bạn trẻ hiện nay rất có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đi đầu thực hiện và thực hiện có trách nhiệm. Sự thành công tại mỗi nơi diễn ra Chiến dịch chính là công sức, lòng nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên xây đắp nên.

Dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, sự có mặt của các bạn đoàn viên thanh niên tại Chương trình, cá nhân tôi đánh giá đấy là sự nhiệt tình, các bạn đã nhiệt tình từ trong suy nghĩ đến hành động, các bạn đến để cùng Ban Tổ chức truyền cảm hứng, cùng hành động khi chương trình triển khai để thúc đẩy phong trào.

Trong quá trình triển khai chương trình, chắc hẳn cũng khó tránh khỏi những điều còn thiếu sót. Ban Tổ chức cùng các bạn trẻ luôn hướng đến hoạt động tình nguyện chính trực và thực chất. Chiến dịch này đã triển khai những hành động thiết thực, hiệu quả, lan tỏa và sáng tạo. Tôi cho rằng, mọi biểu hiện tình nguyện mang tính phô trương, hình thức, hay lợi dụng để làm hình ảnh, để trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào không sớm thì muộn sẽ bị lên án và phơi bày.

Sau Chiến dịch cao điểm vừa qua, các Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Đoàn cấp huyện và cơ sở có trách nhiệm duy trì hoạt động thường xuyên của các đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường biển tại địa bàn, đặc biệt là vào các “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”.

Xin cảm ơn anh!

Xuân Tùng (TTXVN)
50,8 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh bị hạn mặn và cá chết
50,8 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh bị hạn mặn và cá chết

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định hỗ trợ 50,8 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn và thủy sản chết bất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN