Thuận lòng dân việc gì cũng xong
Thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM. Điện Biên là một ví dụ, tỉnh có 10 huyện và 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 116 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến nay Điện Biên mới chỉ có 1 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, kém xa so với mục tiêu đề ra.
Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Tây Ninh phối hợp với đoàn viên thanh niên các xã thực hiện gần 20 công trình "Thắp sáng đường quê", góp phần giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới.Ảnh: Lê Đức Hoảnh- TTXVN |
Theo lãnh đạo Điện Biên, mặc dù tỉnh đã có các chương trình hành động và ban chỉ đạo về xây dựng NTM, nhưng do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhân dân sống phân tán nên việc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác lãnh đạo của các cấp ở địa phương còn thiếu sâu sát, quyết liệt. Nhận thức của một bộ phận người dân về xây dựng NTM còn chưa sâu sắc nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước và chưa tự giác thực hiện chương trình.
Trái ngược lại với Điện Biên, Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp với hơn 90% dân số sống ở nông thôn nhưng lại đang là một điểm sáng trong việc thực hiện xây dựng NTM. Sau 5 năm thực hiện, Thái Bình đã có 164/266 xã (62%) và huyện Hưng Hà đã đạt tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Các xã còn lại đều đạt từ 9 - 18 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Thái Bình phấn đấu đến hết năm nay 100% xã có nước sạch và về đích NTM trước năm 2020.
Để đạt được những thành tích này, theo đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, việc đầu tiên là phải tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động của chính quyền và người dân. Ngoài việc quán triệt các cơ chế, chính sách của Trung ương, Thái Bình đã cụ thể hóa trong 20 chữ “Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ”.
Theo đó, tỉnh Thái Bình đã xác định lấy người nông dân là chủ thể. Do đó, trong mọi việc người dân phải được biết, được bàn, tự quyết định. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chỉ làm vai trò định hướng, hướng dẫn để người dân thực hiện. Ví dụ để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng hay nhà văn hóa... cấp ủy ra chủ trương, chính quyền chỉ đạo, còn người dân tự giải phóng mặt bằng, tự huy động nguồn lực thực hiện và tự giám sát. Vì vậy, các công trình được thực hiện nhanh, chất lượng tốt và tiết kiệm 30 - 40% chi phí. Đặc biệt là không xảy ra tình trạng khiếu kiện. Vì vậy, trong tổng số 15.000 tỷ đồng để xây dựng NTM tại Thái Bình thì nhân dân đóng góp tới 9.000 tỷ đồng.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Xuân Đường cho biết: “Vai trò của người dân là rất quan trọng. Trong xây dựng NTM ở Nghệ An có hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng các khoản nợ này có thể kiểm soát được. Vì đây là những khoản nợ được nhân dân tự đề ra từ chủ trương, kế hoạch và thu hút đầu tư nên việc trả nợ được kiểm soát”.
Tiêu chí phù hợp với từng vùng miền
Một trong những khó khăn trong việc xây dựng NTM được nhiều tỉnh đề cập là sửa đổi lại tiêu chí NTM cho phù hợp với từng vùng miền.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Xuân Đường ví dụ: “Cần điều chỉnh lại tiêu chí về cứng hóa 50% đường nông thôn ở các xã miền núi, khó khăn hay việc mỗi xã phải có 1 chợ. Do vậy, cần có những tiêu chí phù hợp cho những vùng miền khác nhau trong cả nước”.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ sẽ tổng hợp chung và ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, đề xuất chính sách phù hợp với các vùng đặc thù.
Ngoài ra, đại diện các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể về việc lồng ghép các dự án vào trong mục tiêu xây dựng NTM để các tỉnh tập trung các nguồn lực trong việc xây dựng NTM. Ngoài ra, các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như: Điện Biên, Nghệ An... đề nghị nâng mức hỗ trợ.
Về kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Từ năm 2017, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã, góp phần tạo ra nguồn lực để xây dựng NTM ở các địa phương”.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Trung ương về NTM, mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn về cả vật chất và tinh thần, không phải là chỉ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Nhà nước chỉ có thể dành 193.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó từ ngân sách Trung ương chỉ hơn 60.000 tỷ đồng, số còn lại là do địa phương cân đối. Do vậy, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để huy động mọi nguồn lực và sức mạnh toàn dân để xây dựng nông thôn mới.
Tính đến ngày 15/9/2016, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 515 xã (5,9%) so với cuối năm 2015; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Còn 300 xã dưới 5 tiêu chí (3,36%), giảm 26 xã so với đầu năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM đối với huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện Đông Anh (TP Hà Nội). Dự kiến đến hết năm 2016, cả nước sẽ có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. |