Huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội không nợ xây dựng cơ bản

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau nông thôn mới cần nhìn nhận vào thực tế nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Thực tế ở Hà Nội đã có những xã nợ hàng vài chục tỷ đồng từ việc xây dựng nông thôn mới. Nhưng riêng ở huyện Thanh Trì là một trong hai địa phương sớm nhất của Hà Nội cán đích xây dựng nông thôn mới không có nợ xây dựng cơ bản.

Linh hoạt huy động nguồn lực

So với các địa phương của Hà Nội cũ, đời sống kinh tế, xã hội của huyện Thanh Trì không cao, khi thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với hạ tầng nông thôn còn khó khăn.

Vì thế, khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 02 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, huyện Thanh Trì xác định phải làm thay đổi rõ rệt về hạ tầng nông thôn, đổi mới cách làm trong nông nghiệp với đích đến là nâng cao đời sống nông dân.

Mục tiêu đã rõ ràng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, lại gặp không ít khó khăn về kinh nghiệm, kinh phí... Nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo trong tập thể lãnh đạo, huyện Thanh Trì từng bước "cởi nút thắt" trong xây dựng nông thôn mới.

Xã Hữu Hòa hôm nay không còn dáng vẻ của một địa phương nghèo. Đường thôn xóm được làm bê tông to rộng, cộng với những ngôi nhà cao tầng san sát cho thấy, đời sống người dân ở đây ngày một khấm khá.

Chủ tịch xã Hữu Hòa Tưởng Văn Chúc chia sẻ: "Dù ngân sách địa phương còn hạn hẹp nhưng cũng không nợ xây dựng nông thôn mới. Cách làm của địa phương là huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới. Mỗi con đường, công trình ở thôn, xóm được triển khai đều được mang ra bàn thảo một cách công khai trước nhân dân từ quy mô, vật liệu, kinh phí. Sau khi thống nhất cao, chúng tôi lấy chính nhân công của ngõ xóm đó để thi công, giám sát. Vì thế nên chất lượng cũng như tiến độ công trình được đảm bảo, lại ít tốn kinh phí".

Về việc điều tiết kinh phí, ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, tập thể Thường vụ Huyện ủy đã bàn và đi đến thống nhất, điều tiết ngân sách của huyện xuống xã, từ xã giàu sang xã nghèo.

"Khi có ngân sách rồi, huyện chỉ đạo làm công trình theo hình thức cuốn chiếu, làm đâu được đấy, không dàn trải, chỉ khi cân đối được nguồn vốn mới khởi công công trình, quyết toán kinh phí theo tiến độ thi công. Đây là bài học mấu chốt trong việc huyện không có nợ xây dựng cơ bản, trong bối cảnh kinh tế không phải dồi dào", ông Vũ Văn Nhàn chia sẻ.

Ngoài ra, để có kinh phí cho xây dựng cơ bản cho xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì đã tổ chức đấu giá đất, đối với những khu đất xen kẹt, huy động người dân, nhà hảo tâm đóng góp, cân đối nguồn ngân sách cấp... Nhờ đó, trong 5 năm qua, Thanh Trì đã huy động được 1.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung xây dựng và hoàn chỉnh nhiều công trình quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch, trường học, chợ nông thôn, các thiết chế văn hóa.

5 năm qua, tại Thanh Trì, hơn 125 km đường giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp; 14 trường học được đầu tư xây dựng, nâng tổng số trường chuẩn của huyện lên 48 trường (đạt 75%); 46 nhà văn hóa được xây dựng mới, cải tạo bảo đảm làng nào cũng có nhà văn hóa; 15/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Nâng chuẩn nông thôn mới

Là huyện ngoại thành Thủ đô, Thanh Trì có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ. Để khơi dậy tiềm năng của đất, Thanh Trì đã quy hoạch tương đối rõ nét vùng phát triển cho sản xuất nông nghiệp.

Điểm mới của huyện là quy hoạch theo hướng xây dựng "mô hình trung tâm" để phát triển kinh tế hộ. Tức là mỗi xã có một mô hình sản xuất đặc trưng. Sau khi mô hình này hoạt động thành công sẽ lan tỏa, giúp đỡ các hộ dân khác, vùng khác về giống vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Nhờ cách làm này, nhiều mô hình như: trống nấm, trồng rau an toàn, chăn nuôi, trồng lúa, cây ăn quả... đã ra đời, giúp phong trào sản xuất nông nghiệp của huyện thêm khởi sắc. Thanh Trì phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/ người/năm.

Bên cạnh niềm vui về kinh tế hộ ngày càng khá giả, song thực tế phải nhìn nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, sông ngòi, ao hồ ở Thanh Trì còn ở mức cao, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Trước thực trạng này, huyện Thanh Trì đã xây dựng đề án "Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trường 2015 - 2020".

Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho hay, từ khi có đề án cải tạo môi trường, Thanh Trì bắt tay vào vận chuyển hàng nghìn tấn chất thải tới nơi quy định.

Cùng với đó, huyện đã tiến hành kè nhiều bờ sông, hồ, ao, vừa tránh được lấn chiếm vừa ngăn chặn tình trạng đổ rác thải, làm sống lại những ao hồ vốn trước đây bị ô nhiễm. Đáng kể nhất là huyện đã huy động được 12 tỷ đồng từ nhân dân và các doanh nghiệp, tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, đào đắp bờ sông, vệ sinh thu gom đất, rác, phế thải của con sông Om chảy qua xã Ngũ Hiệp.

Sau khi dọn vệ sinh, hai bên bờ sông được tổ chức trồng hoa, cây xanh, thảm cỏ, bày trí tiểu cảnh với diện tích hơn sáu nghìn m2 tạo nên không gian xanh, sạch, môi trường trong lành.

Ngoài ra, Thanh Trì còn quy định các xã thị trấn trên địa bàn, bố trí dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm tự nguyện vào sáng thứ 7 hàng tuần. Nhờ cải tạo tốt môi trường sống, nên chất lượng đời sống nông thôn của huyện Thanh Trì ngày càng nâng lên.

Từ thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Trì cho thấy, nơi nào có sự đồng thuận, vào cuộc đồng bộ, linh hoạt trong huy động nguồn lực thì nơi đó sẽ thành công, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Bắc Kạn có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới
Bắc Kạn có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 4/3, UBND huyện Bạch Thông đã tổ chức lễ công bố Quân Bình là xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đạt danh hiệu nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN