Tổng Giám đốc Quỹ Tiền
tệ quốc tế (IMF), Christine Lagarde, kêu gọi nhân loại cần đẩy nhanh hành trình
theo ý tưởng đảm bảo song hành tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ
xã hội của Hội nghị cấp cao LHQ về phát triển bền vững (Rio+20) nhằm khẳng định
các cam kết phát triển bền vững và phổ quát.
Phát triển kinh tế "xanh" là một nội dung của phát triển bền vững. Ảnh Internet. |
Phát biểu tại Diễn
đàn Trung tâm phát triển toàn cầu ở thủ đô Oasinhtơn, Mỹ, bà Lagarde nhấn mạnh
thế giới đang phải đối phó với 3 cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng kinh tế, khủng
hoảng môi trường và khủng hoảng đang tăng lên về xã hội.
Nền kinh tế thế giới vẫn
rối loạn với triển vọng không ổn định về việc làm và tăng trưởng. Hành tinh
đang nóng lên với những hậu quả không thể lường trước. Khoảng cách giàu nghèo
đang tăng nhanh ở hầu hết các nước đã tạo ra những căng thẳng xã hội nghiêm trọng.
Ba mối đe dọa này tác động lẫn nhau rất phức tạp đòi hỏi phải xử lý đồng thời để
đảm bảo phát triển bền vững.
Do đó Tổng Giám đốc
IMF nêu bật 3 thành phần căn bản của tương lai kinh tế bền vững và bình đẳng.
Một là xây dựng nền
tảng kinh tế vững. Phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ
mô và tài chính để mở đường cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và hiệu quả.
Đây là bước đi then chốt đầu tiên của cuộc hành trình thực hiện các ý tưởng
Rio+20.
Thế giới cần thúc đẩy chiến lược vừa đảm bảo ổn định vừa tăng trưởng,
trong đó ổn định tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng củng cố ổn định.
Các nước đang phát triển cần đa dạng kinh tế và hòa nhập thương mại hơn, đồng
thời đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng.
Hai là phát triển nền
kinh tế xanh. Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức và thử
thách lớn nhất của thế hệ đương đại. Biến đổi khí hậu cũng không làm mất đi các
vấn đề môi trường. Đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, biến
đổi khí hậu không còn là khả năng xa vời mà đã là một thực tế cuộc sống hàng
ngày.
Mối đe dọa nền kinh tế thế giới và cuộc sống con người còn xuất phát từ mực
nước biển. Trái Đất nóng lên đe dọa nguồn tài sản quý giá trị giá hơn 3 nghìn tỷ
USD hiện nằm ngang hoặc thấp hơn mực nước biển. Chính sách tài chính nhạy cảm với
môi trường có thể đem lại cho các nước 2 lợi thế. Đó là con đường tốt nhất và
toàn diện nhất để giảm tác hại đến môi trường đồng thời cũng làm tăng nguồn thu
nhập thông qua công cụ thuế môi trường.
Thuế khí thải đối với hàng không và
hàng hải thế giới lên tới 25 tỷ USD hàng năm có thể giúp thúc đẩy thích nghi và
làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Mỹ có thể tăng thu nhập tới 1 nghìn tỷ
USD trong thập niên tới với mức thuế 25 USD/tấn CO2.
Ba là thúc đẩy tăng
trưởng phổ quát để đảm bảo tất cả mọi người đều được chia sẻ thành quả phát triển
thịnh vượng và đều có cơ hội phát huy mọi tiềm năng. Nghiên cứu mới nhất của
IMF cho thấy các nước phân phối thu nhập bình đẳng hơn sẽ ổn định kinh tế vĩ mô
lớn hơn và tăng trưởng kinh tế bền vững hơn về dài hạn.
Anh Tuấn (p/v TTXVN
tại Niu Yoóc)