Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục là nội dung quan trọng của công tác dân số

Ngày 26/9, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9), với chủ đề "Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước".

Chú thích ảnh
Cán bộ dân số tuyên truyền tại các hộ gia đình. Ảnh tư liệu (minh họa): baonghean.vn

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai, để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú cho biết: Theo thống kê tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 67%. Thành công của Chương trình kế hoạch hóa gia đình Việt Nam là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai, góp phần phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm thiểu tối đa việc phá thai và giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai, sinh con.

Thành công của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Tuy nhiên hiện vẫn còn tỷ lệ nhất định nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng. Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) thực hiện, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%. Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của Điều tra tương tự năm 2014. Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung.

Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỷ suất phá thai là /1.000 ca sinh ra sống.

Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi là 9 lần/1.000 phụ nữ; nhóm từ 20-24 tuổi là 7 lần/1.000 phụ nữ; nhóm từ 30-39 tuổi là 6 lần/1.000 phụ nữ. Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, thực hiện phá thai không an toàn trong điều kiện kém an toàn nhất có thể dẫn tới một số biến chứng như: Sót thai gây rong huyết do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai; rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm, trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết đe dọa đến tính mạng của thai phụ; tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do dụng cụ không được tiệt trùng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến vô sinh; rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung; thủng tử cung; sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, ngay từ mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Đảng ta xác định phải "duy trì mức sinh thay thế", điều này có nghĩa là vẫn duy trì kế hoạch hóa gia đình, cung cấp đủ phương tiện tránh thai để đảm bảo "mỗi cặp vợ chồng có 2 con", tức là "không thể từ bỏ kế hoạch hóa gia đình". Vấn đề là cần tổ chức theo phương thức mới như: Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những địa phương đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp".

Thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình tiếp tục là nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai; xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau, nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa.

Minh Huệ (TTXVN)
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong kế hoạch hóa gia đình
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong kế hoạch hóa gia đình

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi động dự án mới nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số, phát triển có chất lượng phục vụ hoạch định, giám sát các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN