Kết hợp quân - dân y vùng Tây Bắc: Mô hình hoạt động hiệu quả

Trong 5 năm qua, công tác tổ chức chỉ đạo hoạt động quân dân y kết hợp (QDYKH) đã đi vào nền nếp. Các nội dung hoạt động đều được thực hiện theo định hướng của các văn bản pháp quy mà Thủ tướng Chính phủ và hai Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đã ban hành.

Phát triển cả bề rộng và chiều sâu

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg ngày 29/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kết hợp quân dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới. Cùng với việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thuộc hệ thống quân y, dân y phát huy vai trò là lực lượng xung kích trong việc thực hiện QDYKH góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, “thế trận lòng dân” trên địa bàn. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới trọng yếu vùng Tây Bắc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc trao đổi với các đại biểu dự hội nghị tổng kết 5 năm công tác kết hợp quân dân y vùng Tây Bắc (giai đoạn 2009 - 2014). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN



Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: “QDYKH đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang vùng Tây Bắc, thực hiện công bằng xã hội theo các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng con người ở thời kỳ đổi mới”.

Thực hiện chủ trương “Xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hoạt động QDYKH khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội cả trong thời bình và khi xảy ra chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp khác”, trong những năm qua, Bộ đội biên phòng, lực lượng quân y các đơn vị thuộc Quân khu 1, 2, 3, 4, các bệnh viện Quân y 103, 105, 108, 354 và quân y các đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công Nghiệp quốc phòng, Tổng cục 2... đã phối hợp với chính quyền và y tế địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm xây dựng mới hàng chục trạm y tế, phòng khám kết hợp quân dân y dọc tuyên biên giới vùng Tây Bắc. Viện Y học cổ truyền Quân đội cũng tham gia củng cố y tế cơ sở, hỗ trợ trang thiết bị y tế. Các bệnh viện Quân y 5, 7 và các đơn vị thuộc Quân khu 3 đã tham gia củng cố y tế cơ sở cho 7 trạm y tế thuộc tỉnh Hòa Bình. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào tại vùng khó khăn nhất nước ta.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch trên địa bàn Tây Bắc cũng được Ban quân dân y các địa phương vùng Tây Bắc đặc biệt quan tâm và đã tổ chức phòng chống dịch có hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, để phát huy được sức mạnh tổng hợp của ngành Y tế và các tổ chức xã hội ứng phó kịp thời, có hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm hoặc thảm họa thiên tai, Ban quân dân y cấp Bộ đã chỉ đạo ban quân dân y các quân khu, ban quân dân y các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, xây dựng các đội cơ động quân dân y để sẵn sàng phòng chống dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác. Được sự hỗ trợ của quân y tuyến sau, lực lượng quân y các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng, Đồn Biên phòng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn đã thực hiện tốt việc phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương tổ chức có hiệu quả hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, phòng chống dịch bệnh; đồng thời phát hiện và khoanh vùng chống dịch kịp thời cho nhân dân.

Cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan về hiệu quả của mô hình QDYKH, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: Sức mạnh tổng hợp của QDYKH chưa được phát huy đầy đủ, hoạt động QDYKH chưa đồng đều, nơi tích cực triển khai, nơi chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ quân - dân y. Hoạt động khám chữa bệnh của các phòng khám quân dân y biên phòng tuy có hiệu quả, nhưng thiếu tính bền vững, một số nơi chưa được khám bệnh bằng bảo hiểm y tế. Một số Ban quân dân y cấp huyện không được thường xuyên kiện toàn, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động thường xuyên nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp còn lỏng nẻo, chưa gắn kết; một số địa phương chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các lực lượng quân y, dân y dẫn đến kết quả hoạt động còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm y tế cho quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương triển khai các giải pháp QDYKH nhằm nâng cao năng lực về quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ban Quân dân y các cấp. Nắm chắc các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, tình hình vùng Tây Bắc, đặc biệt là tình hình y tế để xác định kế hoạch cụ thể của công tác QDYKH; hàng năm định kỳ báo cáo ở cấp y tế tỉnh và Bộ Y tế. Củng cố Ban quân dân y các cấp, đặc biệt là Ban quân dân y cấp tỉnh, huyện (thành phố, thị xã) và Ban quân dân y cấp xã (nếu có); nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần dân, hiểu rõ nhu cầu của người dân để chủ động phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động QDYKH cho phù hợp và hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách với Đảng, nhà nước nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác QDYKH chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đa dạng hóa các hình thức kết hợp để phát huy hiệu quả công tác QDYKH. Tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể mà lựa chọn địa bàn, lựa chọn nội dung và hình thức kết hợp. Trong đó, phải chú trọng củng cố tuyến y tế cơ sở, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền ý thức vệ sinh phòng bệnh, phòng chống các hủ tục lạc hậu. Tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y: Biên chế đủ cho các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y, xây dựng các chính sách thu hút cán bộ y tế tới công tác tại các vùng khó khăn, vùng cao, biên giới, bảo đảm cho người dân vùng Tây Bắc được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao để cải thiện tình trạng sức khỏe cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên cả quân y và dân y; trong đó lực lượng quân y được đào tạo kiến thức về y tế cộng đồng, dân y được đào tạo kiến thức cơ bản về y học quân sự.

Bảo đảm tính bền vững về tài chính cho các hoạt động QDYKH; trong đó bảo đảm nguồn tài chính cơ bản cho công tác QDYKH và phải được thể chế hóa bằng các kế hoạch ngân sách từ Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các địa phương. Các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y phải được khám chữa bệnh và thanh toán bằng nguồn bảo hiểm y tế. Bố trí từ nguồn hỗ trợ của các dự án, các tổ chức phi chính phủ. Tăng cường công tác QDYKH xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng huy động, lực lượng tự vệ ngành y tế và các phân đội y tế cơ động quân dân y đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có các tình huống khẩn cấp.

V.Tôn

Bám dân chữa bệnh
Bám dân chữa bệnh

Bệnh xá Quân y thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 356 đóng tại xã Pa Vệ Sử, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, đây là việc làm có ý nghĩa, khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân nơi biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN