Kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội

Sáng 19/5, ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

Những thiếu sót trong quá trình thực hiện

Kết luận khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, việc thanh tra được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy trình, quy định, tập trung thanh tra toàn diện từ chủ trương đến việc tổ chức thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố ở Hà Nội, làm rõ một số nội dung báo chí và nhân dân quan tâm, bức xúc.

Kết luận cho hay, về chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh đô thị đường phố Hà Nội, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt; Thành phố đã chỉ đạo nghiên cứu, lập và phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn Thành phố đến năm 2015. Việc lập và phê duyệt Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 là một bước cụ thể hóa để thực hiện quy hoạch nêu trên.

Cây xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm và khu trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đình Na-TTXVN


Về công tác triển khai, tổ chức thực hiện, Chánh thanh tra thành phố Hà Nội nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện theo quy trình về cấp phép, thực hiện chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, trồng bổ sung. Việc chặt hạ, đánh chuyển cây, khối lượng củi, gỗ thu hồi sau khi chặt hạ được đo đếm, nghiệm thu, nhập kho, quản lý, làm thủ tục thanh lý, đấu giá đúng quy định. Chưa phát hiện thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai, tổ chức thực hiện còn một số hạn chế, thiếu sót như:

- Việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội là việc hệ trọng và nhạy cảm, tác động trực tiếp không chỉ đến cảnh quan, môi trường mà còn tác động tới tình cảm, đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. Công tác thông tin tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa tốt, chưa sâu rộng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân sở tại và nhân dân Thủ đô.

- Trong Đề án, tiêu đề một số mục nêu chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định và làm rõ: Số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ gãy, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong tổng số 2.208 cây; Số lượng cây dự kiến dịch chuyển để trồng theo quy hoạch, số cây dự kiến từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị; số lượng dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách… do đó khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế cây xanh theo Kế hoạch làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị “chặt hạ” quá nhiều. Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền sau khi Đề án được phê duyệt lại không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng cho rằng Thành phố có chiến dịch chặt hạ 6.708 cây xanh; đồng thời, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

- Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

- Việc khảo sát chưa kỹ trước khi cấp phép dẫn đến cấp giấy phép một số cây trồng thay thế, bổ sung không đảm bảo điều kiện để trồng.

- Hồ sơ đề nghị cấp phép còn thiếu một số ảnh chụp hiện trạng cây hoặc biên bản không có thành phần xác nhận của UBND phường sở tại. Việc làm trên là chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về hồ sơ cấp phép được quy định. Trách nhiệm thuộc về phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm Sở Xây dựng.

- Một số cây trồng thay thế mặc dù là loại cây thuộc danh mục cây đô thị nhưng không đúng loại cây đã được cấp phép.

- Việc thực hiện chặt hạ, thay thế, vận chuyển cây, gỗ chủ yếu thực hiện vào ban đêm để không cản trở, ách tắc giao thông, đảm bảo theo quy định của Thành phố về thời gian hoạt động của ô tô tải trọng lớn từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau nhưng Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện đã không chủ động thông tin, tuyên truyền nên dư luận hiểu sai là làm vụng trộm, lén lút. Trách nhiệm thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện.

- Đối với việc cải tạo, thay thế cây xanh tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cũng được nhiều người quan tâm. Theo Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được xác định là một trong những tuyến đường thực hiện thí điểm việc cải tạo, thay thế cây xanh. Với mong muốn việc cải tạo, thay thế cây xanh hiện trạng và trồng bằng một loại cây mới, để có được một tuyến đường đẹp về lâu dài; hưởng ứng chủ trương của Thành phố, Công an Thành phố Hà Nội đã tự nguyện vận động cán bộ, chiến sỹ đóng góp ủng hộ và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng VPBANK đề nghị xin được đóng góp kinh phí để trồng lại cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh bằng cây vàng tâm vào đầu năm Ất Mùi 2015. Tuy nhiên, với mong muốn cải tạo, thay thế cây xanh hiện trạng và trồng bằng một loại cây có giá trị để có được một tuyến đường đẹp nên đã thay thế và trồng cây thay thế nhưng chưa tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân là việc làm nóng vội, giản đơn. Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền chưa tốt, nhân dân chưa đồng thuận, thậm chí phản ứng mạnh mẽ và gay gắt của công luận và dư luận nhân dân.

Hàng cây xanh trên đường Hoàng Diệu. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm

Thanh tra Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Thành phố đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội khi thực hiện.

Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua.

Chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như trong Kết luận nêu.

Đối với Sở Xây dựng, kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan: phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót đã nêu trong Kết luận.

Khẩn trương rà soát Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại, khảo sát, xác định chính xác về số lượng cây dự kiến chặt hạ, dịch chuyển, trồng thay thế, trồng bổ sung mới và khái toán kinh phí theo từng nội dung thực hiện; đánh giá lại các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Báo cáo đề xuất UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy hoạch; phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và có cơ chế lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trước và trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường quản lý nhà nước về cây xanh trên địa bàn thành phố theo đúng quy định; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định không phù hợp về quản lý, chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Thành phố, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân, Sở Xây dựng chỉ đạo trồng cây trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh theo quy hoạch, đảm bảo cây trồng xanh tốt, góp phần cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Chi phí phát sinh do đơn vị tài trợ đảm nhiệm.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng cần tổ chức tiến hành kiểm kê gỗ, củi trong kho; khẩn trương đấu giá gỗ theo quy định. Rà soát lại đơn giá một số hạng mục liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Sở Thông tin Truyền thông, các quận và các tổ chức, đơn vị có liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đối với những thiếu sót đã nêu tại phần Kết luận. Có biện pháp tăng cường quản lý về cây xanh theo phân cấp và theo đúng quy định của pháp luật.

Về công khai minh bạch thông tin và công bố thông tin đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đăng tải Kết luận thanh tra trên Cổng giao tiếp điện tử và các báo điện tử của Thành phố, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch thông tin đến đông đảo nhân dân.


Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Kiểm điểm trách nhiệm vụ 'cải tạo cây xanh' trước ngày 30/6
Kiểm điểm trách nhiệm vụ 'cải tạo cây xanh' trước ngày 30/6

Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội phải kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố, lãnh đạo Sở Xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan xong trước ngày 30/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN