Kết luận về nguyên nhân gãy sập đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan 

Hiện tượng mất cân bằng vận chuyển bùn cát ven bờ và biến động bãi ngang là nguyên nhân chính dẫn đến gãy, sập tuyến đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan (giai đoạn 2).

Chú thích ảnh
Một đoạn tuyến đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan bị hư hỏng.

Ngày 15/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) ông Nguyễn Chí Công cho biết, Viện Kỹ thuật công trình (Trường đại học Thủy lợi) đã công bố kết luận chính thức về việc tuyến đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn bị gãy, sập. Theo đó, các đơn vị đã không tính toán hết quá trình vận chuyển đất bùn tự nhiên từ khu vực tuyến đê kè dịch chuyển sang khu vực cửa biển Tam Quan, do đó gây sụt nền khu vực kè gây hư hỏng.

Công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan, thuộc địa bàn các xã Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, được UBND huyện Hoài Nhơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, có chiều dài 2.0m. Công trình hoàn thành vào tháng 9/2016, đến tháng 12/2016 đã có 4 đoạn kè đã bị trôi, sập với tổng chiều dài 282m. Đến đầu năm 2018, tổng chiều dài kè bị hư hỏng được phát hiện là 672m.

Sau nhiều tháng đo đạc, nghiên cứu, kết luận chính thức của Viện Kỹ thuật Công trình đã nêu 3 nguyên nhân dẫn đến tuyến đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan bị gãy sập. Đó là do biến động bãi ngang khu vực đê kè Tam Quan. Theo đó, bãi biển Tam Quan là khu vực bãi ngang có sự biến đổi mạnh theo mùa, làm thay đổi địa hình đáy biển khu vực ven bờ và làm thu hẹp chiều rộng bãi biển và hạ thấp cao trình bãi vào thời kỳ gió mùa đông bắc hoạt động mạnh.

Địa hình bãi biển và vùng ven bờ thay đổi liên tục theo mùa có ảnh hưởng rất lớn tới các thông số sóng ở vùng ven bờ theo quy luật, bãi biển càng bị hạ thấp và thu hẹp thì sóng có chiều cao lớn càng tiến sát tới gần bờ. Các kết quả tính toán của tư vấn đánh giá cũng chỉ ra rằng, khi gió mùa đông bắc, bãi biển có thể bị xói sâu từ 30m – 50m, phạm vi xói lở dao động từ cao trình đến âm 1m lên tới cao trình +1.25m, độ sâu xói lên tới hơn 1m.

Bên cạnh đó, do hiện tượng mất cân bằng vận chuyển bùn cát ven bờ. Các kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa ra vào khu neo trú bão của tàu thuyền – áp dụng cho cửa Tam Quan, Bình Định” do Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện năm 2013 chỉ ra rằng, dòng chảy dọc bờ do sóng đông nam gây ra trong gió mùa Tây nam có xu thế vận chuyển bùn cát từ bãi biển Tam Quan đi lên phía bắc, dọc theo tuyến đê chắn sóng, gây bồi lấp luồng vào cửa Tam Quan. Bùn cát bồi lấp luồng vào cửa Tam Quan được lấy đi từ bãi biển phía trước hệ thống đê kè để tạo nên sự mất cân bằng vận chuyển bùn cát dọc bờ và là nguyên nhân gây nên hiện tượng xói lở và hạ thấp bãi biển Tam Quan.

Kết luận của Viện kỹ thuật công trình cũng nêu lý do chủ quan là đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm khi tính toán các điều kiện biên thiết kế công trình nên đã không lường trước được hai hiện tượng quan trọng diễn ra tại khu vực bãi biển Tam Quan. Đó là hiện tượng biến động bãi theo mùa và hiện tượng xói lở hạ thấp bãi biển do mất cân bằng bùn cát dọc bờ.

Do vậy, các thông số sóng và các tham số thiết kế công trình chỉ được xem xét tính toán trong điều kiện bãi biển ở trạng thái bình thường. Khi bãi biển biến động mạnh theo mùa và bị xói lở, công trình thiết kế ở trạng thái này sẽ không thể chống chịu được tác động mạnh của sóng, bão.

Theo ông Nguyễn Chí Công, từ nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Công trình sẽ dễ dàng nhìn thấy hướng vận chuyển bùn cát tự khu vực phía trước tuyến đê kè chóng xói lở dẫn tới tuyến kè chắn sóng ở phía bắc. Ngoài cát tại khu vực này, các nghiên cứu cũng không phát hiện cát từ thượng nguồn sông đổ ra cửa biển Tam Quan hoặc cát từ ngoài biển bồi lấp vào.

"Trong khi đó, quá trình nạo vét bồi lấp cửa biển Tam Quan đã lấy 300.000m3 cát vận chuyển đi nơi khác, nên lượng cát bị mất đi từ phía trước, gần khu vực chân tuyến đê kè chống xói lở là rất lớn.”, ông Công khẳng định.

Thực tế tại hiện trạng, đoạn đê kè chống xói lở giáp với tuyến đê chắn sóng do có cát bồi lấp nên không bị hư hại. Riêng đoạn đê kè về phía nam thì bị gãy, sập; chiều rộng doi cát phía trước tuyến đê kè tiếp giáp mép biển bị thu hẹp rất nhiều.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương: "Từ kết luận chính thức này của Viện Kỹ thuật Công trình về nguyên nhân gây gãy, sập tuyến đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan, UBND huyện Hoài Nhơn sẽ sớm xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định để thực hiện các giải pháp khắc phục".

Tin, ảnh: Phạm Kha (TTXVN)
Sụt lún nghiêm trọng đê kè chắn sóng, đe doạ hơn 300 hộ dân ở Ninh Thuận
Sụt lún nghiêm trọng đê kè chắn sóng, đe doạ hơn 300 hộ dân ở Ninh Thuận

Nhiều ngày qua, tác động của gió mùa Đông Bắc đã làm sóng biển dâng cao, liên tục đánh ập vào bờ, làm nhiều đoạn của tuyến đê kè ven biển ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 300 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu đang sinh sống dọc tuyến đê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN