Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 30/4, Cung Văn hóa Lao động đã tổ chức chương trình ca nhạc "Đất nước trọn niềm vui". Chương trình đã đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc, thể hiện lòng biết ơn đối với những anh hùng đã ngã xuống, cho đất nước hoàn toàn độc lập. Công viên Thảo Cầm Viên cũng tổ chức nhiều chương trình vui chơi giải trí như các trò chơi truyền thống, chương trình "Ca nhạc tạp kỹ" hút nhiều du khách, đặc biệt là các em nhỏ. Tại khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Độc Lập, nhiều hiện vật của Quân Giải phóng gắn liền với chiến thắng 30/4/1975 được trưng bày cũng thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Tại thành phố Đà Nẵng, bên cạnh sự kiện lớn là tổ chức thành công cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2011, trong dịp này, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khai mạc nhiều triển lãm phục vụ nhân dân tham quan trong những ngày lễ lớn năm nay. Đó là triển lãm ảnh nghệ thuật "Những khoảnh khắc đẹp pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2010" do CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn phối hợp với Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức. 70 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc được chụp trong Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2010 của 40 tác giả được trưng bày và giới thiệu với người xem. Chương trình “Đồng vọng sông Hàn, trưng bày hơn 400 đầu sách viết về danh nhân, chí sĩ, anh hùng xứ Quảng cũng được khai mạc. Trong dịp này, Bộ VH, TT & DL phối hợp với Sở VH, TT & DL thành phố Đà Nẵng tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc chọn lọc tại Bảo tàng Đà Nẵng, giới thiệu 1 tác phẩm, được chọn lọc từ 836 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010.
Trong tiết trời nắng ấm của những ngày lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5, “Tuần lễ du lịch Sa Pa 2011” đã đón hàng nghìn du khách đến các bản Cát Cát, Tả Phìn, Bản Hồ, Tả Van của Sa Pa để khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy. Tại các địa điểm này, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như múa khèn, hát dân ca Mông, các trò chơi dân gian đã được tổ chức. Bên cạnh đó, du khách còn được tận mắt ngắm nhìn các nghệ nhân chạm khắc bạc; rèn dao, cuốc bằng tay; se lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm làm váy áo. Tại đây, du khách còn được tham gia vào lễ hội như cầm cuốc, cầm cày làm ruộng bậc thang, quai búa, kéo bễ rèn dao...
Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, trong hai ngày 28 - 29/4 tại Sa Pa, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã tổ chức lễ xuất phát leo núi cắm cờ Đoàn trên đỉnh Fansipan năm 2011. 50 vận động viên là cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên đang công tác trên địa bàn tỉnh Lào Cai cùng đại diện lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các đoàn viên đến từ Tỉnh Đoàn Phú Thọ, Lai Châu đã tham gia chương trình.
Và cuối cùng, sáng 30/4, trong khuôn khổ lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng, tại huyện Đạ Tẻh đã diễn ra Lễ hội đoàn kết các dân tộc, một lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên với các nghi thức của lễ ăn trâu được tái hiện khá đầy đủ. Trước đó, tối 29/4, lễ hội cồng chiêng được khai mạc cùng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như lễ cúng chiêng và chương trình "Đêm lửa nghe cồng chiêng", tái hiện lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, diễn tấu cồng chiêng và giới thiệu ẩm thực truyền thống…
Đi lại dịp lễ: Chen chúc và mệt mỏi
Tại Hà Nội, theo các doanh nghiệp vận tải, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều người dân đi du lịch, về quê khiến tàu xe dịp này đều quá tải.
Từ chiều 3/5, những người đi du lịch và người dân từ các tỉnh đổ về Hà Nội khiến các cửa ngõ đều kẹt cứng tại các đầu mối giao thông như đoạn từ Pháp Vân về đến Bến xe phía Nam, Bến xe Nước Ngầm; tuyến đường Phạm Văn Đồng về Bến xe Mỹ Đình; Bến xe Gia Lâm...
Đại diện Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội khẳng định: Lượng khách đổ về Hà Nội sau dịp nghỉ lễ vào ngày 3/5 với hơn 70.000 người tại các bến xe. Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã có kế hoạch bố trí 630 chuyến xe tăng cường. Tổng Công ty vận tải Hà Nội tăng cường lượng xe buýt để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội. Tổng lượng xe cần tăng cường là 400 lượt xe buýt, trong đó tại Bến xe phía Nam là 150 lượt, Bến xe Gia Lâm tăng cường khoảng 100 lượt xe, Bến xe Mỹ Đình tăng cường 150 lượt xe.
Còn với đường hàng không, các phòng vé máy bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vé máy bay các chặng đi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Vinh… đều đã hết sạch từ ngày 27 đến 30/4. Chiều về đối với các chặng này từ ngày mùng 2 đến 4/5 đều kín chỗ dù Vietnam Airlines đã tăng thêm 48 chuyến bay nội địa trên tất cả các đường bay; trong đó riêng tuyến Hà Nội - Đà Nẵng tăng 8 chuyến; tuyến TP.HCM - Đà Nẵng tăng 6 chuyến.
Tại TP.HCM, lượng khách đi lại trong 4 ngày lễ tăng cao khiến cho các nhà xe dù đã điều động hết công suất cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng kẹt xe, ùn ứ hành khách diễn ra khá phổ biến. Không ít người đã bỏ dở các chuyến du lịch vì không chờ được xe.
Sáng 30/4, khách ùn ùn đổ về các bến xe, bến phà khiến những nơi này quá tải. Ngay từ sáng sớm, tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ), lượng khách đông nghẹt trong khu vực quầy vé. Khách tập trung ở các tuyến từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đắk Lắk… Hai bãi giữ xe tại BXMĐ quá tải nên khách đến lên hệ mua vé không có chỗ gửi xe gắn máy đã đứng tràn ra trước cổng bến. Lượng khách tại bến bắt đầu đông dần lên từ lúc 6 giờ sáng đến tận chiều mới giãn dần. Theo số liệu của BXMĐ, lượng khách qua bến trong sáng 30/4 vào khoảng 47.000 lượt, tăng gần gấp đôi ngày thường. Tương tự tại Bến xe miền Tây, đến 11 giờ vẫn còn đông nghẹt khách trong khu vực bán vé. Các tuyến có số lượng khách nhiều nhất là TP.HCM đi Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp… Lượng khách ở đây vào khoảng trên 40.000 lượt, tăng 13% so với dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2010.
Chiều 3/5, sau đợt nghỉ lễ dài ngày, lượng hành khách, xe cộ lại ùn ùn kéo về thành phố đã làm các cửa ngõ đi vào trung tâm TP.HCM đông nghẹt, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường huyết mạch như Xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B, đường An Dương Vương… bị ùn tắc kéo dài.
Hà Nội: Vắng vẻ
Các doanh nghiệp, siêu thị đã chuẩn bị đủ hàng phục vụ nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều thưa khách. Nguyên nhân là do nhiều gia đình đi du lịch hoặc về quê nên lượng khách đến siêu thị ở Hà Nội không đông.
Tại một số siêu thị như Vinatex thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam, siêu thị Hapro ở Thái Thịnh, Big C, Intimex Bờ Hồ... rất vắng khách. Các siêu thị cho hay, khách đến mua hàng chủ yếu là những người đi du lịch muộn hoặc du khách địa phương lên thăm thủ đô.
Gặp anh Vũ Trung Hoàn, quận Cầu Giấy tại Vincom vào sáng 1/5, anh cho biết: Anh tranh thủ đưa vợ, con lên đây mua một số vật dụng cần thiết cho gia đình. Năm nay do không thuê được xe để cả nhà đi du lịch nên cả nhà anh chỉ quanh quẩn ở Hà Nội. "Biết các con thích ăn hải sản nên tôi đưa vợ con lên đây thưởng thức một số món ăn lạ”, anh Hoàn cho biết. Tại siêu thị Vinatex trên đường Bà Triệu, lượng khách cũng khá vắng vẻ. Anh Trung Tính, nhà ở quận Long Biên cho hay, anh cùng gia đình đến Vinatex từ đầu giờ sáng nhưng lượng khách vào đây không đông, nên việc chọn đồ cũng thoải mái hơn. Dạo qua một vòng các siêu thị trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy lượng khách mua quần áo, hàng thực phẩm, gia dụng không phải chờ đợi lâu để thanh toán.
Ghi nhận của nhiều người cho thấy, ngày nghỉ lễ dịp lễ 30/4 - 1/5 tại Hà Nội diễn ra khá yên bình. Không có tình trạng "chặt chém" giá các dịch vụ như nhiều người lo ngại. Các trung tâm mua sắm và vui chơi giải trí không quá đông và giá vẫn ổn định, tăng không đáng kể so với ngày thường.
Nhóm PV