Khu vực các tỉnh Yên Bái, Nam Sơn La, Hòa Bình, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 15/9, mưa lớn ở phía Đông Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Từ ngày 14 - 16/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở Thanh Hóa - Nghệ An từ 60 - 100mm, có nơi trên 150mm. Khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Bình có lượng mưa từ 30 - 60mm, có nơi trên 100mm.
Chiều và đêm 14/9, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào, dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20 - 40mm, có nơi trên 60mm.
Người dân khu vực vùng núi cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; ngập úng tại các khu đô thị khi xảy ra mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 14 -15/9, các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 - 4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ khu vực thượng lưu sông Chảy, sông Thao, sông Lô, sông Mã có khả năng đạt mức báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và từ Thanh đến Quảng Bình chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 797/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 và Công văn số 342/VPTT ngày 12/9/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Lào Cai huy động lực lượng khắc phục hậu quả của mưa lũ, lũ quét, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân; tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, có người bị nạn. Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ tình hình mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh trên biển để chủ động các biện pháp ứng phó.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 8 giờ ngày 14/9, mưa lớn, lũ quét tại tỉnh Lào Cai đã làm 9 người chết và mất tích, 5 người bị thương; 13 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 148 ha lúa, hoa màu và 61 trại nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng. Quốc lộ 279, 4, 4D và một số tuyến đường tỉnh, huyện bị sạt lở; hiện đã thông xe. Riêng một số điểm sạt lở trên tuyến QL 4, 4D, phương tiện chỉ lưu thông một chiều. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 255 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, chiều 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Lào Cai, đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quả cho hai gia đình có người thân bị nước lũ cuốn trôi tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa.
Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong làm trưởng đoàn đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn tại thị xã Sa Pa. UBND huyện Bát Xát và huyện Văn Bàn, các cơ quan liên quan đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Ngày 13/9, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang và Yên Bái có 9 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái, thiệt hại 29,5 ha lúa, hoa màu…Các địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn; trong đó có 16/28 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo.