Trong khoảng 2 tháng gần đây, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ luôn thiếu trầm trọng nhóm máu O; lượng máu thu gom được chỉ đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu điều trị.
Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện. |
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, đã trao đổi với báo Tin Tức xung quanh các giải pháp cho vấn đề này.
´Nguyên nhân nào dẫn tới việc thiếu hụt trầm trọng nhóm máu O tại Viện Huyết học- Truyền máu TƯ? Tại các trung tâm truyền máu khác có xảy ra hiện tượng này không, thưa GS?
Nhóm máu O là một nhóm máu phổ thông hay gặp nhất, khoảng 45 - 46% dân số Việt Nam thuộc nhóm máu này. Chính vì vậy, tỷ lệ người đau ốm trong cộng đồng có nhóm máu O cũng thường cao hơn. Ngoài ra, nhóm máu O là nhóm máu có thể truyền thay thế được cho tất cả các nhóm máu khác. Do đó, trong quá trình sử dụng máu, đặc biệt đối với các trường hợp cấp cứu, khó định nhóm máu hoặc khó tìm nhóm máu phù hợp… thì các cơ sở điều trị sẽ chỉ định truyền nhóm máu O thay thế. Đó là hai lý do tự nhiên cơ bản dẫn tới tình trạng thiếu nhóm máu này.
Việc thiếu nhóm máu O không chỉ xảy ra ở riêng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, mà ở nhiều nơi trên phạm vi toàn quốc. Điển hình, năm 2012, tại Trung tâm Truyền máu Cần Thơ, cũng từ việc chênh lệch nhóm máu nên đã dẫn tới tình trạng thiếu nhóm máu O khá trầm trọng. Hơn thế nữa, tôi được biết trên thế giới, ở các nước có phong trào hiến máu mới sơ khai, cũng thường xảy ra tình trạng này.
´Tình trạng chênh lệch nhóm máu sẽ dẫn đến hậu quả gì và có xảy ra ở các nhóm máu khác không?
Tình trạng chênh lệnh cũng xảy ra với các nhóm máu khác, nhưng thường rơi vào tình trạng bị thừa, bởi số máu tiếp nhận được nhiều hơn so với nhu cầu sử dụng (như nhóm máu B, hay AB). Do đó, có những thời điểm không riêng Viện Huyết học - Truyền máu mà nhiều nơi, nhiều trung tâm truyền máu buộc phải từ chối tiếp nhận các nhóm máu này.
Những năm gần đây, nhờ phong trào hiến máu tình nguyện phát triển rộng rãi, nên người dân tham gia hiến máu tích cực. Tuy nhiên, do nước ta chưa tiến hành định nhóm máu trong toàn dân, nên người dân hiến máu cứ hiến, chưa quan tâm tới nhu cầu cần sử dụng đơn vị máu nhóm O hay các nhóm máu khác ra sao. Bên cạnh đó, nếu các bệnh viện không quan tâm đến việc phải truyền đúng nhóm máu mà hay lấy máu nhóm O để truyền thay thế cho các bệnh nhân thuộc nhóm máu khác, thì hiện tượng thiếu máu nhóm O sẽ trở nên rõ nét, thậm chí là hết sức trầm trọng như thời điểm này (Viện Huyết học-Truyền máu TƯ hiện tại đang cung cấp máu điều trị cho hơn 110 bệnh viện).
Sự chênh lệch các nhóm máu trong tổng số lượng máu tiếp nhận được tại các trung tâm truyền máu sẽ dẫn đến hai hậu quả. Một là, dù trong kho còn nhiều máu, nhưng vẫn không có máu dùng cho bệnh nhân. Điều này có thể dẫn đến việc bệnh nhân bị tử vong do không có máu phù hợp để truyền. Hai là, nếu thừa một nhóm máu nào đó, cứ để mãi trong kho cho đến khi hết hạn thì buộc phải hủy. Điều này là một sự lãng phí cần phải chấm dứt.
´Để khắc phục tình trạng chênh lệch nhóm máu (thiếu nhóm máu O, thừa nhóm máu B…) như đã xảy ra, Viện Huyết học và truyền máu TƯ đã và sẽ triển khai những hoạt động gì?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chúng ta cần thực hiện việc điều tiết nhóm máu ngay trong quá trình vận động và tiếp nhận máu. Cụ thể, để chuẩn bị một buổi hiến máu, nhất là những buổi hiến máu lớn (trên 500 đơn vị máu trở lên) thì nhất thiết phải thông báo số lượng các đơn vị máu cần lấy theo từng nhóm máu; bộ phận vận động phải đảm bảo vận động cho đủ số lượng đó, không thiếu mà cũng không nên thừa. Việc tiếp nhận chỉ được phép chênh lệch nhóm máu khoảng 10% thì điều chỉnh được. Các cơ sở nên sử dụng đúng nhóm máu, không được lạm dụng máu nhóm O.
Như vậy, biện pháp khắc phục chênh lệch nhóm máu nằm ở “đầu vào” - từ người hiến máu và “đầu ra” - nơi sử dụng máu. Vậy nên, đây sẽ là nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, diễn ra ngày 4/10 tới đây. Các ban chỉ đạo cần thống nhất các vấn đề xung quanh việc hạn chế tình trạng chênh lệc nhóm máu ngay trong quá trình tuyên truyền, vận động người hiến máu. Để tăng “đầu vào”, trong buổi tổ chức hiến máu, sẽ lấy nhóm máu O bằng tỷ lệ trong quần thể dân số (khoảng từ 45 - 46%/điểm hiến máu), thậm chí chiếm 50% tổng số máu của buổi hiến máu. Đối với “đầu ra”, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, can thiệp các cơ sở truyền máu, cơ sở sử dụng máu thực hiện truyền đúng nhóm máu, không sử dụng nhóm máu O truyền thay thế trong thời điểm này.
Về lâu dài, rất cần triển khai việc định nhóm máu cho toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến máu nhân đạo rộng rãi và có chiều sâu hơn nữa, xây dựng cho được lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Xin cảm ơn ông!
P.Liên- Lý Hảo (thực hiện)