Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo sủa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó vấn đề thu hồi đất được nhiều đại biểu quan tâm bởi đến 90% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến vấn đề đất đai. Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang (ảnh) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
*Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó liên quan đến lĩnh vực đất đai, việc thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội như dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu phát triển, quy hoạch xây dựng trong thời kỳ mới hay chưa?
Tôi thấy các đại biểu hết sức quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, nhất là thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, đặc biệt là phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và tôi cho rằng những ý kiến của đại biểu nêu rất xác đáng, đây là sự quan tâm của toàn xã hội, người dân về vấn đề thu hồi đất. Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được thông qua trong thời gian tới.
Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã bám sát ý kiến tham gia của các đại biểu về những điểm trong Hiến pháp về điều 53 liên quan đến đất đai. Hiện trong Luật Đất đai, có điều 61, 62, 63 đề cập đến các nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất, với các mục đích thu hồi đã nêu trên và đáp ứng được những vấn đề trong Hiến pháp đã nêu. Với tinh thần như vậy, điều 62 đã nêu rất rõ, mục đích thu hồi đất như thế nào, thẩm quyền thu hồi ra sao và phân loại thế nào, có thẩm quyền liên quan đến Quốc hội, liên quan đến Chính phủ, có thẩm quyền liên quan đến hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
* Việc thu hồi đất cho mục đích kinh tế xã hội làm sao để tránh được việc doanh nghiệp lạm dụng như lâu nay vẫn xảy ra và từ đó dẫn đến khiếu nại tố cáo, thưa Bộ trưởng?
Về quy định thu hồi đất lần này chúng tôi hết sức quan tâm đến ý kiến của cử tri, ý kiến của đại biểu. Thời gian trước, chúng ta thu hồi đất cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế đất nước trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều tồn tại, liên quan đến lợi ích người dân, gây ra tình trạng khiếu kiện… Cũng có những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng. Những tồn tại này trong luật mới sẽ được khắc phục. Chúng tôi đã đặt mục tiêu khi xây dựng Luật Đất đai lần này là phải giải quyết được vấn đề đó. Với quy định hiện nay của điều 61, 62, 63 và với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi lần này tại điều 53, tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến thu hồi đất tùy tiện sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi thực hiện luật mới.
*Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có những dự án kinh tế xã hội thu hồi đất thì phải thông qua HĐND?
Vấn đề này tùy thuộc theo thẩm quyền, có những dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội phê duyệt, có dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đối với dự án cấp tỉnh thì phải thông qua HĐND, do đó UBND tỉnh không thể tùy tiện quyết định thu hồi. Lần này chúng ta sẽ làm chặt chẽ hơn rất nhiều. Tôi cho rằng, tới đây vấn đề thu hồi đất sẽ không đơn giản nữa.
*Thưa Bộ trưởng, nếu doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận thì chúng ta có khuyến khích không?
Thực tế nhiều dự án nhỏ, doanh nghiệp chỉ cần một diện tích nhỏ thì họ có thể tự thỏa thuận với nhau. Những công trình quan trọng, liên quan đến lợi ích quốc gia thì Nhà nước phải đứng ra thu hồi. Còn những dự án cũng về nội dung phát triển kinh tế xã hội nhưng quy mô nhỏ thì để họ tự thỏa thuận, hoặc có thể thông qua đấu giá… Nói như vậy để thấy không phải doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn, họ có thể thỏa thuận theo quy định của luật.
*Bộ trưởng đánh giá dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội thông qua lần này sẽ khắc phục những tồn tại của Luật Đất đai hiện hành như thế nào?
Luật Đất đai lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là liên quan đến chính sách thu hồi đất, chính sách đền bù, giá đất…. Tất nhiên chúng ta hy vọng các vấn đề được giải quyết nhưng thực tiễn cuộc sống sẽ phát sinh rất nhiều. Về cơ bản, theo tôi, việc thu hồi đất sẽ chặt chẽ hơn nhiều.
*Thưa Bộ trưởng, giá đất khi thu hồi theo dự thảo lần này có thay đổi gì không?
Giá đất cũng chặt chẽ hơn, sẽ có một Nghị định riêng. Luật lần này sẽ có thêm 5 nghị định, trong đó có một nghị định riêng về giá đất. Cho nên giá đất cũng sẽ có thay đổi, làm chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân. Trước đây chúng ta hay nói giá đất phải theo thị trường, nhưng thị trường đó là thị trường trong điều kiện bình thường. Nhưng vừa rồi thị trường của chúng ta là thị trường ảo nhiều hơn, thị trường đầu cơ, thì không thể nói cái giá như thế được. Cũng có nhiều người nói là giá đất của chúng ta quá thấp, nhưng thực chất giá chưa phải vậy. Giá ảo nhiều, giá các nhà đầu tư vay ngân hàng, sau đó mua đất, để đấy, tính cả lãi suất vay vào đó, thế nên giá cao. Ta nói giá đất là phải trong điều kiện bình thường.
*Công tác hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi lần này đang được triển khai ra sao, thưa Bộ trưởng?
Hiện nay công tác chuẩn bị đang hết sức khẩn trương, cho đến nay đã chuyển cho đại biểu cả 5 dự thảo nghị định , trong đó có 2 của Bộ Tài chính, 3 của Bộ TNMT. Tất nhiên còn cần thời gian sửa đổi, hoàn thiện, khoảng nửa năm sẽ hoàn thành, kèm theo đó có cả các thông tư của bộ, liên bộ. Tôi hy vọng ngày 1/7/2014 sẽ có hiệu lực thi hành.
*Xin cám ơn Bộ trưởng!
Xuân Minh (ghi)