Ông Lưu Thế Kỳ, Giám đốc Chi nhánh 2 Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai (đơn vị được khai thác cát tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông với khối lượng hơn 30.000 m3/năm) thừa nhận, sau hơn 2 năm được cấp phép khai thác cát, doanh nghiệp này vẫn chưa có tàu bè hút cát nào được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Ông Lưu Thế Kỳ giải thích, trước đây không thấy các ngành chức năng quy định tàu bè khai thác cát phải đăng ký đăng kiểm. Khoảng giữa năm 2017, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông) mới yêu cầu vấn đề này.
Sau nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm các tàu hút cát cũ, đến tháng 6/2018, đơn vị mới nhận được kết quả chính thức là không thể đăng kiểm tàu cũ. Vì vậy, doanh nghiệp đã tiến hành việc đóng tàu mới kết hợp với tiến hành đăng ký, đăng kiểm để đủ tiêu chuẩn hoạt động theo quy định.
Bà Bùi Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hải Khánh Ngân xác nhận, đơn vị cũng chưa có tàu hút cát nào được đăng ký đăng kiểm theo quy định, đồng thời nhấn mạnh đơn vị đã ngưng hoạt động khai thác cát sau khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng về vấn đề đăng kiểm tàu (!?). Đơn vị đang tiến hành việc đóng tàu mới cũng như tiến hành việc đăng ký, đăng kiểm với các cơ quan chức năng.
Theo kết quả kiểm tra vào tháng 6/2018 của đoàn liên ngành tỉnh Đắk Nông, 16 phương tiện hút cát của ba doanh nghiệp tại xã Quảng Phú (bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng, Chi nhánh 2 Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hải Khánh Ngân) đều không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Nông (tháng 1/2019) cũng nêu rõ trên địa bàn huyện Krông Nô có tất cả 5 bến cát đang hoạt động với tổng cộng 26 phương tiện hút cát. Tuy nhiên, chỉ có 9 phương tiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để hoạt động (bao gồm 3 phương tiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Bình; 5 phương tiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Bình; và 1 phương tiện của Doanh nghiệp Tư nhân Văn Hồng).
Mặc dù nhiều đơn vị không có phương tiện nào được đăng ký, đăng kiểm, nhưng hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô vẫn diễn ra công khai, trên quy mô lớn nhiều năm nay, nhất là thời gian từ cuối năm 2018 đến cuối tháng 3/2019. Nhiều bến bãi với hàng nghìn khối cát được tập kết.
Nhiều thời điểm, lượng xe cát tải trọng lớn di chuyển trên Quốc lộ 28 lên đến cả trăm lượt mỗi ngày. Thực tế này đã đặt ra một dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan; đồng thời cũng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của nhiều đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô rất thấp.
Theo chủ một đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô, nhiều năm nay, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát xây dựng tại đây khá phổ biến. Gần đây, các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương siết việc kiểm tra, kiểm soát, hạn chế các vi phạm, ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị liên quan mới được nâng lên.
Ông Võ Hoàng Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, cho biết, địa bàn xã Quảng Phú là trung tâm khai thác, tập kết, mua bán cát xây dựng của cả tỉnh. Hiện có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn qua xã Quảng Phú.
Ông Võ Hoàng Phú cho rằng với trách nhiệm của chính quyền địa phương, xã chủ yếu phối hợp với các ngành chức năng của huyện, của tỉnh, nắm bắt tình hình chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị.
Xã Quảng Phú mong muốn các ngành chức năng của huyện Krông Nô và của tỉnh Đắk Nông cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các hoạt động khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển cát. Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm đánh giá tổng thể và giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng sạt lở đất ven sông, ổn định cuộc sống người dân cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh cho biết, ngành chức năng của huyện tập trung triển khai quy chế phối hợp giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông trong quản lý hoạt động khai thác cát, nhất là quản lý các khu vực được cấp phép khai thác; tạm ngưng khai thác; việc tuân thủ thời gian khai thác để đảm bảo sự kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cũng như người dân. Ông Ánh giải thích việc kiểm định tàu bè cũng như các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông.
Hiện nay, huyện Krông Nô kiến nghị các ngành chức năng liên quan sớm triển khai đề án tổng thể đánh giá tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô. Trên cơ sở đó, huyện xác định rõ ràng tác nhân của từng khu vực là thủy điện, hoạt động khai thác cát, hay các yếu tố tự nhiên...
Đối với những vị trí sạt lở do khai thác cát, cơ quan chức năng sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép. Huyện kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh phối hợp, hỗ trợ để đảm bảo các đơn vị tuân thủ chặt chẽ hơn các vấn đề về ranh giới khai thác, thời gian khai thác…
Về lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh cần có quy hoạch tổng thể mỏ, điểm mỏ cát xây dựng trên sông Krông Nô, để xây dựng các phương án đấu giá, đền bù, khai thác cát ổn định, lâu dài, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hai bên bờ sông.