Thời gian gần đây, tình trạng nông dân “đua” nhau bán đất sét ở ruộng lúa cho các chủ lò sản xuất gạch ngói và gốm sứ đã diễn ra công khai tại xã Song Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Điều đáng nói là chính quyền và các nhà quản lý ở địa phương gần như đứng ngoài cuộc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, địa bàn xã Song Lộc hiện có 23 cối đang hoạt động, sản xuất từ 4.000 - 5.000 viên gạch bán thành phẩm/ngày/cối, khai thác đất sét trên diện tích hơn 100 ha đất ruộng. Qua tìm hiểu, các chủ cối cho biết, nguồn đất sét ở xã Song Lộc ít tạp chất nên dùng làm gạch nung rất tốt, sản phẩm họ làm ra (gạch bán thành phẩm) được bán cho các chủ lò gạch nung ở hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long. Nếu thuận tiện trong việc vận chuyển, họ mua với giá từ 11 - 12 triệu/công (1.000 m2); nếu ở xa, gặp khó khăn vận chuyển có giá từ 5 - 6 triệu đồng/công...
Lý giải về việc làm trên, các hộ bán đất đều cho rằng, ngoài tạo thêm thu nhập đáng kể cho gia đình, vấn đề quan trọng hơn là họ cải tạo được mặt đất ruộng một cách bằng phẳng, chủ động dẫn nước vào ruộng và thoát nước ra ngoài khi cần thiết. Hơn nữa, họ chỉ bán lớp đất sét nằm phía dưới và vẫn giữ lớp đất mặt có độ sâu khoảng 0,1 - 0,2 m nên không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa... Tuy nhiên, nhiều lão nông tri điền ở địa phương bức xúc cho rằng, nếu lấy đất sâu từ 0,4 m - 0,45 m sẽ làm mặt ruộng không đồng đều, tạo nên độ chênh lệch quá cao giữa các mặt ruộng ở nơi bán và không bán đất. Từ đó, toàn vùng sẽ gặp khó khăn trong điều tiết nước tưới cho cây trồng. Ngoài ra, trong quá trình khai thác đất sét sẽ “đánh thức” tầng phèn hiện “ngủ yên” trong đất nên việc xuất hiện tình trạng xì phèn gây hại cho cây lúa là điều khó tránh khỏi.
Huy Hoàng