Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị họ xả nước từ các hồ chứa để hỗ trợ Việt Nam đối phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ngoài ra, trong khuôn khổ của hội nghị Hiệp hội các nước vùng sông Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan, các bên đã đạt được thỏa thuận liên quan tới việc sử dụng nước trên các dòng chính, số lượng, chất lượng nước và một số thỏa thuận về việc xây dựng các công trình trong khu vực. Những thỏa thuận đó sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để khai thác nguồn nước có lợi nhất cho các bên có liên quan.
Xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt là một trong những giải pháp trọng tâm, Việt Nam sẽ làm gì để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ, thưa ông?
Chúng tôi đã phối hợp với Hà Lan, WB… tổ chức xây dựng, quy hoạch các công trình thủy lợi, có tính đến các yếu tố của biến đổi khí hậu của ĐBSCL và một số vùng khác. Thông qua quy hoạch đó, chúng ta sẽ lựa chọn các dự án ưu tiên. Đồng thời, chúng tôi đã tập hợp, báo cáo Chính phủ để huy động nguồn lực thực hiện các dự án này.
Thực tế, 10 năm trước, chúng ta đã xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Ba Lai, một nhánh của sông Mê Kông ở ĐBSCL, nhưng chúng ta mới chỉ đắp được cống ở ven biển, chưa xây được các cống dọc sông và trên thượng nguồn. Do vậy, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia quốc tế xây dựng các hệ thống khép kín, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, việc xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt sẽ được thực hiện tùy theo điều kiện từng nơi và phụ thuộc vào nguồn vốn và đang từng bước thực hiện. Riêng về xây dựng các công trình trên các dòng sông chính, do đòi hỏi vốn rất lớn và tác động mạnh tới môi trường nên cần phải nghiên cứu kỹ và có sự trao đổi với các nước trong khu vực.
Biến đổi khí hậu tác động rất lớn tới mùa vụ, sinh hoạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm gì để giúp người dân ứng phó?
Như các chuyên gia dự báo, biến đổi khí hậu sẽ diễn biến gay gắt hơn tới nước ta. Một trong giải pháp trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Từ tháng 10/2015 chúng tôi đã họp với các địa phương, nêu ra các biện pháp để các tỉnh hướng dẫn người dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Nhưng mức độ gay gắt của xâm nhập mặn rất lớn nên thiệt hại vẫn xảy ra ở một số nơi.
Đến nay, Chính phủ đã cung cấp hơn 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, xây dựng các trạm bơm, hệ thống dẫn nước, cấp nước sinh hoạt, cung cấp nước cho người dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu ha/lúa. Đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ nước ngọt. Ngoài ra, còn hỗ trợ những khu vực khó khăn 15 kg gạo/người, không để người dân đói. Về dài hạn, chúng tôi sẽ hướng dẫn nhân dân điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, dùng các cây ít nước, hoặc chuyển đổi sang chăn nuôi, ngành nghề phi nông nghiệp; đồng thời, xây dựng các công trình ngăn mặn lâu dài.