Khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Dịch tay chân miệng sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhất là từ tháng 9 đến tháng 11 tới. Do đó, để hạn chế số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra, người dân và các địa phương cần chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Khó nhận định về diễn biến dịch

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện hơn 750 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) rải rác ở các quận, huyện trên địa bàn. Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi ở mùa dịch trước, tới tháng 5/2011 Hà Nội mới bắt đầu có những ca bệnh đầu tiên và giai đoạn tháng 9 - 11 mới là “đỉnh” dịch.

Bắt đầu xuất hiện chùm ca bệnh

Mặc dù Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch TCM từ đầu năm 2012, nhưng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện nay rất khó có thể nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới.

Bệnh viện Nhi TƯ (Bộ Y tế) mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị khoảng 100 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 10 đến 20 ca phải nhập viện. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Tình hình dịch bệnh TCM trên thế giới trong những năm gần đây cũng diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước. Ngoài ra, bệnh này không có vắcxin phòng ngừa và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong cộng đồng, tỷ lệ người lành mang trùng cao. Đặc biệt, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp nên rất dễ làm lây lan dịch bệnh...

Đến ngày 11/3, Hà Nội đã có 753 ca TCM phân bố rải rác ở 29/29 quận, huyện. Cụ thể, tháng 1 có 325 ca, tháng 2 là 428 và đến 11/3 là 198 ca.

Đặc biệt, tại 4 lớp ở Trường mầm non Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đã xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên với 9 cháu mắc. “Mấy ngày nay, chúng tôi đã kết hợp cùng Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy… triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Với sự tham mưu của ngành y tế, Ban giám hiệu Trường mầm non Dịch Vọng đã cho các cháu ở lớp D1 nghỉ học (vì có 4 cháu mắc bệnh). Đến nay, sau 1 tuần phát hiện ca bệnh đầu tiên thì tại ổ dịch này chưa có thêm ca bệnh mới nào”, ông Cảm cho biết.

Để chủ động phòng bệnh TCM và tránh những biến chứng đáng tiếc (do bệnh chưa có vắcxin, thuốc điều trị đặc hiệu), ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”, đó là “ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch”.

Phòng hơn chống

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, năm 2011, Hà Nội cũng ghi nhận khoảng 1.600 ca TCM, tăng đột biến kể từ năm 2003 trở lại đây. Trước diễn biến phức tạp này, cộng với những khuyến cáo của Bộ Y tế về tình hình dịch TCM có thể gia tăng trong năm 2012, ngành y tế Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ cuối năm 2011.

“UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo UBND các quận, huyện, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế để làm tốt công các phòng, chống dịch bệnh. Từ cuối năm 2011, chúng tôi cũng được đầu tư kinh phí để triển khai các biện pháp giám sát dịch chủ động”, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.
Nhờ vậy, ngành y tế Hà Nội đã triển khai tập huấn phòng chống dịch TCM cho mạng lưới kiểm soát dịch tễ ở 29 quận/huyện trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông cho cộng đồng.

Đáng mừng, ngành giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các trường chủ động phối hợp với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM. Lo lắng về nguy cơ xảy ra dịch bệnh, các trường mẫu giáo, mầm non cả công lập và tư thục rất chủ động triển khai công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng giám sát, sớm phát hiện trẻ mắc bệnh...

“Có tới 96% số ca TCM là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi nên công tác truyền thông phòng bệnh tập trung mạnh cho nhóm người thường xuyên chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi tại nhà và trường học”, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.

Thực tế, chỉ có 30 - 40% trẻ mắc bệnh do lây trong trường học. Trong khi đó tại cộng đồng, có nhiều người nhiễm virút dù không có triệu chứng (cả người lớn và trẻ em) nhưng vẫn là nguồn truyền nhiễm lan truyền virút. Do đó, cho trẻ nghỉ học ở nhà không phải là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Vì thế, năm 2012 sẽ không áp dụng quy định cho học sinh nghỉ học 10 ngày nếu trong lớp đó có 2 trẻ mắc bệnh liên tiếp trong vòng một tuần. Việc ra quyết định đóng cửa một lớp, hay một trường học sẽ do ngành y tế tham mưu dựa trên tình hình dịch thực tế tại cơ sở đó. 

 Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN