Khẩn trương di dời dân sạt lở ven sông

Tình trạng sạt lở sông, kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong mùa mưa.

Sợ cảnh “màn trời chiếu đất”

Ngoài con sông Sài Gòn chảy ngang, Thành phố Hồ Chí Minh còn có hệ thống kênh rạch nội đô chẳng chịt. Đây có thể xem là một lợi thế để phát triển kinh tế, vận tải bằng đường thủy nội địa, nhưng cũng là nỗi ám ảnh trong mùa mưa bão hàng năm do tình trạng sạt lở bất ngờ. Quá trình phát triển và tốc đô thị hóa nhanh khiến TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề di dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 6/2015 trở lại đây, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, chôn vùi hàng chục căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất dọc bờ sông tại khu vực quận Thủ Đức, quận 9, huyện Nhà Bè…

Anh Dũng ở ấp 1, xã Nhơn Đức, chỉ cho chúng tôi xem nơi ba ngôi nhà đã bị dòng nước cuốn đi…


Gần đây nhất là vào khoảng 23 giờ ngày 1/7, một đoạn bờ sông Sài Gòn có diện tích khoảng 2.000 m2 ở cuối đường số 7 (khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đã bất ngờ bị sạt lở. Ông Nguyễn Đình Quang, nạn nhân trong vụ sạt lở cho biết, khi bờ sông sạt lở, 3 người trong gia đình ông Quang đang ngủ trong nhà bị cuốn theo xuống sông. May mắn những người ngủ trong nhà được một số người đi ghe đánh bắt cá gần đó cứu sống. Toàn bộ ngôi nhà, diện tích đất xung quanh và một số tài sản của gia đình ông Quang đều bị chìm xuống dòng sông. Cùng với nhà ông Quang, hai căn nhà khác, một xe xúc và một xe ben bị cuốn trôi xuống sông. Khoảng 100 m chiều dài của đường số 7, một đoạn bờ tường rào và nhiều trụ điện cũng trôi theo dòng nước. Hiện tại khu vực này vẫn đang có nhiều vết nứt dài, dấu hiệu sạt lở tiếp tục vẫn còn, nhiều hộ gia đình ở đây vẫn đang đối diện với nguy cơ mất đất, nhà cửa, thậm chí cả tính mạng nếu xảy ra sạt lở bất ngờ.

Chúng tôi trở lại ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, nơi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng hôm 22/5 khiến 3 căn nhà bị cuốn trôi, cuộc sống của những gia đình bị nước cuốn vẫn còn tạm bợ, khu vực bờ sông này vẫn còn dấu hiệu sạt lở, thậm chí mức độ còn nặng nề hơn. Dẫn chúng tôi ra khu vực dòng sông đang chảy cuồn cuộn, chị Võ Thị Đồng Dung, ngụ ấp 1, xã Nhơn Đức, chua xót: “Tôi sống ở đây được 7 năm rồi nhưng không lúc nào hết lo. Trước nhà tôi cách bờ sông khoảng 10 m nhưng nay chỉ còn khoảng 3 m, sợ mưa xuống gây xói lở bờ sông, cuốn trôi nhà cửa”.

Anh Trần Văn Dũng, một người sống ở khu vực này cho biết, một số người dân vẫn đang phải tá túc tại trạm y tế xã Nhơn Đức vì không còn nhà để về. Thậm chí có người đã sinh con khi sống tạm ở trạm xá.

Ông Phạm Duy Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết, địa phương đang thuê chỗ mới cho người dân ở tạm, đồng thời đề xuất lên huyện xin cấp đất để các hộ dân bị ảnh hưởng xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống.

Di dời dân khỏi nơi nguy hiểm

Trên địa bàn thành phố hiện có 5 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu, giải quyết tiêu thoát nước cho lưu vực rộng lớn khoảng 14.200 ha với tổng chiều dài hơn 105 km, bao gồm hệ thống kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Theo Khu quản lý đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 5/2015 đến nay trên địa bàn đã phát sinh thêm 8 điểm sạt lở mới, nâng số điểm sạt lở lên 45 điểm. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm sạt lở mới, các quận 2, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè mỗi nơi có 1 điểm sạt lở mới.

Mục tiêu đến năm 2020, thành phố cơ bản hoàn thành chương trình di dời các khu nhà trên và ven kênh rạch để phục vụ mục tiêu chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch, tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước, giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường đô thị với kế hoạch di dời 11.600 hộ. Tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình này khoảng 12.000 tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng sạt lở nhà dân ven kênh rạch, từ năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai Chương trình chỉnh trang đô thị với trọng tâm là giải quyết cơ bản nhà ở trên và ven kênh rạch, thay thế các chung cư hư hỏng… Trong 10 năm (2006 - 2015), thành phố đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho gần 11.000 hộ, đạt trên 71% kế hoạch đề ra. Như vậy, trung bình 1 năm, thành phố đã di dời được khoảng 1.000 hộ dân và đảm bảo đủ nguồn chuẩn bị quỹ nhà tái định cư phục vụ các hộ dân trong diện di dời. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu của thành phố là di dời 13.700 hộ, (trong đó phát sinh hơn 6.200 hộ). 

Tính đến hết quý 1/2015 thành phố đã di dời được gần 3.000 hộ. Tuy nhiên, cùng với phát sinh thêm hơn 6.000 hộ, nâng tổng số hộ chưa di dời còn lại lên đến 17.000 hộ, thành phố hiện còn 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát, chưa có kế hoạch di dời do chưa cắm mốc xác định hành lang kỹ thuật, hành lang an toàn trên địa bàn quận 7, quận 8 và quận 12. Điều này cho thấy, mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch là một bài toán khó, nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và cả ý thức tự giác của người dân.

Mới đây, trong buổi làm việc giải quyết tình hình sạt lở bờ sông Sài Gòn tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Chủ tịch UBND quận Thủ Đức chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan khẩn trương xác định và tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Ông Tín cũng yêu cầu các địa phương cũng như các ngành chức năng thường xuyên theo dõi và có giải pháp khắc phục kịp thời, không để tình trạng sạt lở tiếp diễn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Xuân Tình - Thành Chung
Sạt lở đất ven sông Hậu làm hỏng 6 nhà dân
Sạt lở đất ven sông Hậu làm hỏng 6 nhà dân

Trong các ngày vừa qua tiếp tục xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực ven sông thuộc ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN