Đàn bò 3 con của gia đình bà Huỳnh Thị Kim Trang ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 bị mắc bệnh lở mồm long móng và có 1 con bị chết. Khi bò bị bệnh, gia đình bà đã không báo cho cán bộ thú y mà tự ý điều trị. Khi bò chết thì liên hệ với thương lái để bán chứ không tiêu hủy theo quy định.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang cho biết, con bò bị bệnh chết mới mua 25 triệu từ nơi khác về vỗ béo để bán. Do gia đình không tiêm phòng nên đàn bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. Tiếc của gia đình phải bán để gỡ lại phần nào vốn liếng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang 3, toàn xã đã có 35 con bò mắc bệnh lở mồm long móng; trong đó, có 9 con bị chết. Đây là con số do người dân khai báo và cán bộ thú ý nắm được còn lại số bò bị bệnh mà người dân tự điều trị chính quyền địa phương chưa thống kê đầy đủ.
Ông Võ Xuân Lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân giải thích, mặc dù, đã được tuyên truyền nhưng nhiều hộ dân có tâm lý ngại tiêm phòng cho đàn bò vì sợ bò chậm lớn từ đó dễ phát sinh bệnh. Khi bò mắc bệnh một số hộ không khai báo kịp thời mà tự điều trị khiến mầm bệnh lây lan. Tại địa phương chỉ một số hộ trong diện vay vốn sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi mới chủ động khai báo bệnh để được hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ sau này.
Tình trạng bò bị bệnh lở mồm long móng còn xuất hiện ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Tại thị trấn La Hai có 58 con bò bị mắc bệnh; trong đó, có 6 con bị chết. Ủy ban nhân dân thị trấn đã chỉ đạo cán bộ thú y phải tiêm phòng bao vây vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn bò trên địa bàn. Việc này cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện tại tất cả các địa phương trong huyện.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân cho biết, địa phương có đàn bò hơn 17.000 con. Đồng Xuân thuộc khu vực miền núi nên được hỗ trợ về vaccin phòng bệnh. Tuy nhiên một số hộ dân có tâm lý e ngại việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, nhất là đối với bò đang mang thai. Trong khi đó, vaccin này được khuyến cáo có thể tiêm cho bò đang mang thai từ 3 tháng đến 7 tháng.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân cho biết thêm, Ủy ban nhân dân huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai khẩn trương các phương án tiêm phòng cho đàn bò. Đây là giải pháp tốt nhất để khống chế bệnh lở mồm long móng đang xảy ra tại địa phương. Bên cạnh đó, Trạm thú y sẽ kiểm soát chặt việc buôn bán bò bị bệnh để hạn chế việc lây lan.
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, việc tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc trong năm 2021 được thực hiện vào 2 đợt chính trong năm. Đợt 1 từ tháng 3 - 4 và đợt 2 từ tháng 9 - 10. Việc tiêm phòng bổ sung vắc xin được thực hiện liên tục giữa các đợt chính. Chính vì vậy, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đù; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại để tránh bùng phát dịch bệnh.