Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đảm bảo thường trực phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Quốc tế Nội Bài; phối hợp tốt với các đơn vị liên quan phát hiện sớm và dự phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola.
Tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN |
Các đơn vị chức năng cần tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Khai thác tiền sử dịch tễ những người bệnh đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với người đi về từ các quốc gia trên có triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan thận… để khám, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh và cách ly.
Đối với các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cần tăng cường khám, sàng lọc, phát hiện kịp thời ca bệnh; chuẩn bị khu cách ly, thuốc, thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân để tiếp nhận và điều trị ca bệnh nghi ngờ; thực hiện đúng các quy định về phòng ngừa chuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế do Bộ Y tế ban hành để phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Trước đó, ngày 4/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn chỉ đạo các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố... tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm và phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 31/5/2018, nước Cộng hòa dân chủ Congo đã ghi nhận 58 trường hợp mắc Ebola và nghi ngờ mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế và đã có 27 trường hợp tử vong (46,5%).
* Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng vẫn tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội. Từ ngày 4 - 10/6, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 86 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 744 ca. Hầu hết các trường hợp mắc nhẹ, không có tử vong.
Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng thường phát triển vào mùa hè và dễ gây thành dịch lớn. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là sốt và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).
Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang...; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Ngoài ra, trong tuần, thành phố cũng ghi nhận thêm 13 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, nâng số người mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 139 trường hợp, giảm nhiều so với trước; 1 trường hợp viêm não Nhật Bản; 20 trường hợp mắc sởi. Trong tuần, ở Hà Nội không ghi nhận các trường hợp cúm nguy hiểm như cúm A (H5N6), cúm A (H7N9)... và các dịch bệnh xâm nhập khác như MERS-CoV, vi rút Ebola, bệnh do vi rút Zika…