Trong đêm 30/11, lũ về nhanh khiến người dân ở xã như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc (thành phố Nha Trang) có nơi ngập sâu hơn 2m nước. Anh Giáp Thành Công, xã Vĩnh Thạnh cho biết, gia đình anh sống ở rốn lũ đã thành quen, hễ mưa lớn cuối năm là sẵn sàng tinh thần dọn dẹp, kê đồ trong nhà lên cao. Tuy nhiên, lũ năm nay lớn và lên khá nhanh, được chính quyền thông báo tình hình xả hồ rất thấp nhưng anh vẫn không hiểu vì lại ngập, khiến cả gia đình anh trắng đêm để “canh lụt”.
Bức xúc hơn, nhiều người dân ở xã Vĩnh Trung có nơi ngập sâu từ 1,3 -1,5m cho rằng, việc lũ lên nhanh trong đêm 30/11 là do hồ chứa xả lũ, kết hợp nước từ thượng nguồn sông Cái đổ về, gặp nhiều điểm cản nên nước thoát ra biển không kịp. Việc thiếu thông tin dự báo chuẩn xác để họ chuẩn bị tinh thần cho công tác “sống chung” là cần được xem xét và minh bạch trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 11/2021, địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt mưa lớn. Đợt 1, từ ngày 9 -14/11, lượng mưa từ 150-250mm. Đợt 2, từ ngày 27-30/11, lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 400mm, gây nên lũ trên báo động III trên các sông. Đặc biệt, tổng lượng mưa trên thượng nguồn các lưu vực sông ở đợt 2 là rất lớn: Sông Dinh Ninh Hòa 300mm, sông Cái Nha Trang 400mm.
Giải thích về các vấn đề về lũ lên nhanh, đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, trong đợt mưa thứ 2, các đơn vị quản lý các hồ chứa đã chủ động vận hành điều tiết hạ thấp mực nước hồ để đón lũ sau khi nhận được bản tin dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Các đơn vị đã thực thực hiện điều tiết từ ngày 26 -29/11 với lưu lượng bình quân từ 10-50m3/s, trong đó có hồ Đá Bàn 77m3/s, hồ Suối Dầu 33m3/s. “Trong ngày 30/11, việc vận hành điều tiết các hồ chứa nước đã thực hiện theo đúng quy trình vận hành với lưu lượng xả lớn là dưới 100m3/s ở thời điểm ban ngày, ban đêm chỉ xả dưới 70m3/s. Như vậy, nguyên nhân của đợt ngập lụt cuối tháng 11 vừa rồi, hồ chứa xả lũ chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ”, ông Lê Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin thêm.
Đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã làm ba người chết; hai nhà bị sập, hư hỏng; hơn 8.500 hộ với 36.000 người bị ảnh hưởng, chủ yếu ở huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi… bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 246 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là về thủy lợi khoảng 139,5 tỷ đồng, tiếp đến là về giao thông 55,17 tỷ đồng, về nông nghiệp 32,55 tỷ đồng… Khánh Hòa đã tập trung nhân lực, vật lực chủ động ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.
Lý giải về hiện tượng thời tiết cực đoan, gây nhiều hậu quả trong đợt cuối năm, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, trữ lượng mưa ở Khánh Hòa hàng năm khoảng 2,7 tỷ m3 nhưng các hồ đập chỉ mới chứa được 250 triệu m3. Do đó, khi mưa, các hồ phải dùng các biện pháp xả lũ.
Mặc khác, mưa lớn trong bối cảnh các hồ chứa nước đã gần đầy, khả năng giảm lũ bị hạn chế nên đã gây ngập lụt nhiều nơi. Cụ thể, tỉnh có tổng cộng 31 hồ chứa nước (28 hồ chứa thủy lợi, 3 hồ chứa thủy điện) với tổng dung tích trữ 250 triệu m3. Ngày 8/11 dung tích các hồ chứa là 192,47 triệu m3, đạt 77% dung tích trữ. Khi đến đợt mưa lớn thứ 2, dung tích các hồ chứa đã lên 231,29 triệu m3, đạt trên 90% dung tích trữ. Nếu thời tiết cực đoan, tiếp tục có mưa lớn trong thời gian tới, khả năng chứa nước của các hồ này là rất thấp, vì hầu hết các hồ chứa gần đạt 100% dung tích chứa, nên không còn dung tích để giảm lũ cho hạ du. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ còn bộc lộ một số bất cập. Một số bộ phận chính quyền và người dân còn bị động, chủ quan dẫn đến thiệt hại về người do đi lại bất cẩn trong mưa lũ.
Nguyên nhân nữa, đó là công tác dự báo, đợt mưa vừa qua có tổng lượng mưa nhiều nơi cao hơn so với dự báo từ 100-200mm. Lũ trên sông đều cao hơn dự báo, trong đó sông Dinh tại Ninh Hòa lớn hơn nhiều so với dự báo ban đầu, khoảng từ 1m đến 1,93m. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến việc thoát lũ. việc khơi thông các dòng sông hiện nay tỉnh đang gặp khó khăn vì không có kinh phí lớn.
“Để “sống chung với lũ” an toàn trong thời gian tới, tỉnh cần tính toán các biện pháp như vùng tránh lũ, di dời dân, tái định cư, nạo vét luồng lạch. Về lâu dài, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm để xây dựng các hồ chứa mới và nâng cấp các hồ chứa có sẵn để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ trong những năm tới”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.