Khánh Hòa: Tỷ lệ hộ tái nghèo tăng mạnh sau bão số 12

Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tình trạng tái nghèo sau khi bão số 12 đổ bộ, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Nguy cơ tái nghèo cao ở miền núi, vùng bãi ngang, ven biển

Lồng nuôi thủy sản bị hư hỏng và trôi dạt, khiến nhiều hộ gặp khó khăn.

Các hộ sinh sống ở vùng miền núi, vùng bãi ngang, ven biển ở tỉnh Khánh Hòa đang có nguy cơ tái nghèo cao nhất sau bão. Nguyên nhân là do nhà ở của hàng nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn đã bị sập và hư hỏng nặng, nguồn thu nhập chính từ cây trồng chủ lực, nghề đi biển…bị mất hoặc sụt giảm mạnh.
         
Keo là một trong những cây trồng chủ lực, cho thu nhập chính và góp phần quan trọng vào giảm nghèo ở vùng miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Bão số 12 đổ bộ đã làm hàng nghìn ha keo đổ, không thể khôi phục được, khiến nguồn thu nhập chính của các hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị mất đi hoặc còn rất thấp.

Hơn một tháng sau bão, anh Đinh Công Thức (43 tuổi, thôn Tây, xã Sông Cầu, huyện miền núi Khánh Vĩnh) vẫn đang thu dọn rừng keo đã bị đổ. Anh Thức cho biết, trước bão, 1 ha keo từ 4 - 5 năm tuổi, bán được 50 triệu đồng; sau bão chỉ còn 25 - 30 triệu đồng/ha, trong khi chi phí trồng 1 ha keo hết 18 - 20 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Do keo bị đổ hàng loạt, người dân tận thu, số lượng gỗ keo cần bán tăng đột biến, giá giảm mạnh, khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, tái nghèo.
         
Chị Cao Thị Miên (46 tuổi, đồng bào dân tộc Raglai, ở xã Khánh Nam, huyện miền núi Khánh Vĩnh) có vườn cây ăn quả gồm mít, xoài bị thiệt hại hoàn toàn, nhà ở bị hư hỏng nặng chưa sửa chữa được. Không còn nguồn thu nhập từ các loại cây ăn quả, chị Miên đi làm thuê, tiền công được 150.000 đồng/ngày nhưng thu nhập không ổn định do đang là mùa mưa. Chị Miên mong muốn sớm được hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà bị hư hỏng để có chỗ ở ổn định.       

Ở vùng bãi ngang và ven biển, nhiều hộ đang có nguy cơ tái nghèo do nhà ở bị sập, hư hỏng nặng, cùng với hàng nghìn tàu cá, nhiều diện tích ao đìa, lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng. Ở ngay ven biển đầm Nha Phu, căn nhà cấp bốn của chị Lê Thị Ngọc Thanh, (49 tuổi, ở thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đã bị sập một nửa khi bão đổ bộ, nửa còn lại chằng chịt những vết nứt. Căn nhà có thể bị sập hoàn toàn bất cứ lúc nào. Có nhà mà không thể ở, chị Thanh phải đi ở nhờ nhà khác từ hơn một tháng qua.

Chị Thanh cho biết, trước bão, thu nhập chính của gia đình nhờ vào đi biển. Tàu thuyền, ngư lưới cụ bị hư hỏng hết, chị Thanh đi làm thuê với thu nhập từ 100.000 - 110.000 đồng/ngày, chỉ đủ ăn, không có khả năng xây dựng lại nhà ở. Ước tính, chi phí xây dựng lại căn nhà này gần 100 triệu đồng.
         
Theo ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, so với đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sau bão số 12 ước tính tăng 2,5% (từ 7,44% lên 9,94%).
         
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ

Một căn nhà bị hư hỏng nặng do bão số 12 vẫn chưa thể sửa chữa. 

Từ sau bão đến nay, các ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa đã “bắt tay” ngay xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách. Khó khăn hiện nay là việc thống kê và xác minh thiệt hại do bão vẫn chưa hoàn thành, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách rất hạn chế...
         
Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Khánh Vĩnh Mấu Văn Phi cho biết: Sau bão, địa phương trích ngân sách gần 2 tỷ đồng mua các tấm bạt, để hỗ trợ người dân tạm thời che lại nhà bị tốc mái hoặc hư hỏng. Việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn, do các cây trồng chủ lực như keo, mít, xoài… bị đổ và cần ít nhất 3 năm mới khôi phục được. Quỹ dự phòng của địa phương để hỗ trợ người dân đã hết nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và cả xã hội.
         
Theo ông Tào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, đối với rừng keo trồng bị đổ, ngành vận động các doanh nghiệp tổ chức thu mua để bà con có thu nhập và sớm tái sinh rừng. Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại nặng chuyển đổi nghề.
         
Bà Trương Thị Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự kiến hết tháng 12/2017, đơn vị sẽ trình hồ sơ lên cấp trên phê duyệt phương án khoanh nợ cho hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn bị thiệt hại do bão.

Theo đó, hộ có cây trồng, vật nuôi… bị thiệt hại từ 40 - 80% sẽ được khoanh nợ trong 3 năm, thiệt hại 80 - 100% khoanh nợ 5 năm. Ước tính, toàn tỉnh có trên 7.000 hộ sẽ được khoanh nợ với tổng số tiền 150 tỷ đồng, tập trung ở các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn; thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang.
         
Theo ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, tỉnh đang thực hiện các giải pháp căn cơ để hỗ trợ hộ nghèo và tái nghèo sao bão. Theo đó, tỉnh sớm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; huy động nguồn lực từ lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương và của cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh trình Chính phủ xem xét công nhận hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là huyện nghèo thuộc chương trình 30a, để có thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sau bão; xem xét thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo trong năm 2018.

Tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số có nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng nặng, xây dựng, sửa lại nhà ở; phấn đấu đến Tết Nguyên đán, các hộ có nhà bị sập sẽ có nhà mới để ở.

Bài và ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 12 đi qua, tại tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn rất nhiều trường học bị hư hỏng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN