Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu trong vòng 14 ngày tiếp theo kể từ 0 giờ ngày 25/8, thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg; các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 và huyện Trường Sa áp dụng nghiêm các biện pháp 5K, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tạm dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu; hoạt động hiếu hỉ, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, thể thao, giải trí; dừng kinh doanh tại các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trên các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Khánh Hòa; dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh, liên tỉnh; hạn chế tối đa việc di chuyển người dân từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; đẩy mạnh triển khai phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn phòng, chống dịch COVID-19”; duy trì, siết chặt quản lý và từng bước mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”.
Tại thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh tiếp tục duy trì thời gian người dân không ra khỏi nhà từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Đối với thôn, tổ dân phố “bình thường mới” (vùng xanh), người dân được đi tập thể dục ngoài trời trong nội vùng, nhưng tập trung không quá 2 người và thực hiện nghiêm quy định 5K, được đi chợ mua hàng hóa thiết yếu trong nội vùng và “vùng xanh” giáp ranh theo số lượng, phạm vi, tần suất... do Chủ tịch UBND cấp huyện quy định.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên, nhà báo, nhân viên, người lao động sống ở thôn, tổ dân phố "vùng xanh" được đi làm, khi về phải khai báo y tế và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo 5K; khi đi qua chốt/trạm kiểm soát phải xuất trình giấy tờ theo quy định. Tại nhiều khu vực, chính quyền địa phương sẽ thực hiện cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho từng hộ dân.
Ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nơi thực hiện theo Chỉ thị 19, người dân đi vào các địa phương này phải có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Riêng huyện Trường Sa chỉ áp dụng nghiêm các biện pháp 5K, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến 17 giờ ngày 24/8, Khánh Hòa đã ghi nhận 5.699 ca mắc COVID-19, trong đó thành phố Nha Trang có 3.320 ca mắc, tiếp đó là thị xã Ninh Hòa với 1.2 ca, huyện vạn Ninh 262 ca mắc… Riêng trong 24 giờ qua, Khánh Hòa đã có thêm 140 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó vẫn còn 7 ca phát hiện trong cộng đồng.
* Ngày 24/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký ban hành quyết định về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT đến hết ngày 5/9 để phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, qua gần 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT giai đoạn 3 (từ ngày 16-25/8), Đồng Tháp đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị tạo sự chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số bộ phận còn biểu hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lơ là, chủ quan trong quản lý, nhất là để xảy ra tình trạng lây lan dịch trong việc tổ chức đám tang ở một số địa phương thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch định hướng cho 10 ngày tới, với quan điểm nhất quán là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg thống nhất trong toàn tỉnh; nghiêm túc rút kinh nghiệm và quyết tâm khắc phục bằng được những hạn chế trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng như các địa phương phải đặt yêu cầu cao hơn, quyết tâm hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó cần tập trung cao độ để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chia sẻ, đồng thuận, đồng hành và cùng tham gia với tỉnh trong “trận chiến” này. “Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch 3 tuần qua, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì tinh thần chia sẻ, đồng hành của người dân có tính quyết định rất lớn” - Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Phong cho rằng, “hơn ai hết người dân phải tự giữ cho mình, bảo vệ sức khỏe của mình, tuyên truyền giữ gìn cho gia đình, người thân, cộng đồng, làng xóm. Muốn đảm bảo xanh từ hộ gia đình, khóm ấp, xã, huyện, phải từ ý thức xanh của mỗi người dân”. Do đó, các địa phương cần chú ý các giải pháp trong tuyên truyền vận động người dân cùng thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
“Đây là đợt giãn cách để củng cố thành quả, đẩy lùi triệt để những hạn chế trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua. Để làm được việc này, các địa phương phải dốc toàn lực lượng để bám địa bàn cơ sở, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh", Bí thư tỉnh ủy đề nghị.
Qua đánh giá và dự báo nguy cơ dịch COVID-19, hiện Đồng Tháp có 10 xã ở mức “nguy cơ rất cao”, 19 xã “nguy cơ cao”, 30 xã “nguy cơ” và 84 xã “bình thường mới”. Toàn tỉnh hiện có 119 khu vực phong tỏa.
Theo thông tin của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đồng Tháp, trong ngày 24/8, tỉnh phát hiện thêm 162 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 124 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung, 33 ca trong khu vực phong tỏa và 5 ca trong cộng đồng. Cộng dồn đến 17 giờ ngày 24/8, Đồng Tháp ghi nhận 6.273 ca mắc COVID-19, trong đó 3.780 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện, 121 trường hợp tử vong.