Theo kế hoạch dự kiến, 2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra sẽ thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.
Về quy mô lao động, doanh nghiệp được điều tra thuộc nhiều loại: Dưới 100 lao động, từ 100-300 lao động và trên 300 lao động.
Dự kiến, 18 địa bàn sẽ được đồng loạt điều tra đợt này gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Về tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu vùng, cuộc điều tra nhằm tìm hiểu việc doanh nghiệp đã điều chỉnh lương ra sao trong quý I/2022, khi tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 không thay đổi. Cơ quan quản lý sẽ thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho người lao động tại 4 vùng lương trong cả nước; quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, tiền lương làm thêm giờ; số giờ làm việc trung bình của người lao động; lương, thưởng, các khoản phúc lợi, chi tiêu, nhà ở, tiền ăn ca, quỹ đào tạo, quỹ công đoàn...
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng "đo đếm" mức tiền lương của một số chức danh, công việc của các chức danh quản lý tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phó phòng ban, lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Qua hoạt động điều tra, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2023 hay không.
Được biết, Tổng Liên đoàn lao động cũng có cuộc khảo sát về mức sống tối thiểu, mức lương tối thiểu của công nhân lao động để làm căn cứ đề xuất trong cuộc Họp Hội đồng tiền lương quốc gia.
Do tác động của đại dịch COVID-19, lương tối thiểu vùng có hai năm liên tiếp không tăng. Từ 1/1/2020 đến nay, lương tối thiểu vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II là 3,92 triệu, vùng III là 3,42 triệu và vùng IV là 3,07 triệu đồng.
Đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thay vì hoãn cả năm, song chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi.
Thống kê cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2/người. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình về gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng để phục hồi thị trường lao động.