Ngay từ chiều 24/12 đã có rất đông người dân đổ dồn về các con đường trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn để tham quan, chụp hình đón Giáng sinh. Trên con đường nối từ đường lớn vào Nhà thờ Đá Phát Diệm dài hơn 1km chật cứng người đi bộ. Hai bên đường tràn ngập ánh đèn, cờ, ngôi sao. Bên cạnh những cây thông noel lớn được trang trí tỉ mỉ là những bản nhạc mừng giáng sinh rộn ràng càng làm không khí thêm ấm áp, vui tươi. Dòng người nô nức đổ về khu vực Nhà thờ Đá Phát Diệm từ sớm ngoài vui chơi còn để thưởng thức các chương trình văn nghệ và lễ cầu nguyện.
Nhà thờ Giáo sứ Phủ Lý – Hà Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Trong khu vực Nhà thờ Đá Phát Diệm, mặt hồ trước cổng được trang trí đèn led lộng lẫy với rất nhiều ngôi sao. Trên mặt hồ cũng được dựng nhiều tiểu cảnh với ý nghĩa giáo dục cao về cuộc sống hôn nhân, gia đình. Những hang đá, cây thông, cây xanh được trang trí đèn lung linh, đặc biệt là những mô hình người tuyết, cỗ xe tuần lộc cùng ông già noel xuất hiện rực rỡ thu hút rất đông người dân đến tham quan, chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của mùa Giáng sinh 2017. Nhà thờ Đá Phát Diệm là một trong những địa điểm thu hút đông người dân đến vui chơi, làm lễ đêm Giáng sinh.
Hòa mình trong không khí tươi vui của mùa hội mới cùng người dân xứ đạo Phát Diệm và đắm mình trong không gian tín ngưỡng ấm áp, an lành, giáo dân Nguyễn Thị Hiền, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn hồ hởi cho biết tranh thủ đầu giờ tối, chị cùng nhiều giáo dân tập trung bên hang đá Chúa Hài đồng cầu nguyện và trao cho nhau những lời chúc tốt lành. Chị Hiền cũng chia sẻ: “Gia đình tôi đã hoàn tất việc trang trí nhà trong ngày đại lễ từ mấy ngày trước. Hôm nay cả gia đình cùng đến nhà thờ để các con vui chơi, tận hưởng không khí Giáng sinh và cùng cầu chúc một năm mới an lành”.
Chánh trương Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm Mai Văn Quý cho biết, đêm Chúa Giáng sinh là dịp để mọi người gặp gỡ, thể hiện sự quan tâm và cầu nguyện cho nhau một mùa Giáng sinh an lành và một năm mới tràn đầy may mắn, hạnh phúc. Năm nay tại Nhà thờ Đá Phát Diệm, đêm Giáng sinh được tổ chức gồm hai phần Canh thức (chờ Chúa sinh ra) và Thánh Lễ, kết thúc là màn rước kiệu hoa tượng Chúa Hài đồng (Chúa mới sinh). Ngay từ chiều 24/12, vì lượng người đổ về Nhà thờ Đá Phát Diệm để đón Giáng sinh ngày càng đông nên nhà thờ cùng với lực lượng công an, cảnh sát giao thông địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng để tập trung phân luồng xe và kiểm soát an ninh.
Lâm Đồng: Niềm vui đêm Giáng sinh nhân lên với Festival Hoa Đà Lạt
Năm nay thành phố Đà Lạt và các địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng đón một mùa Giáng sinh an lành với niềm vui được nhân lên bởi trong những ngày này, trên thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và một số địa phương khác cũng đã diễn ra Festival Hoa Đà Lạt, với hàng loạt nội dung đặc sắc, thu hút hàng chục ngàn du khách tới vùng đất này.
Từ tất cả các nhà thờ trên địa bàn thành phố Đà Lạt như Nhà thờ Chánh toà (còn gọi là Nhà thờ con gà), Nhà thờ Domaine de Marie, Nhà thờ Du sinh, Nhà thờ Thánh Tâm, Nhà thờ Tùng Lâm…đều đã trang hoàng lộng lẫy và rực rỡ ánh đèn, chuẩn bị cho đêm Giáng sinh trong an lành.
Có mặt tại Nhà thờ Don Bosco trên đường Bùi Thị Xuân, thành phố Đà Lạt, nhóm phóng viên không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian lộng lẫy, lung linh ánh đèn hiện ra trước mắt. Tất cả những không gian trong khuôn viên nhà thờ đã được sắp đặt bởi các hoạt cảnh hang đá nơi Chúa giáng sinh, các thiên thần chào đón Chúa giáng sinh trên cỗ xe tuần lộc với Ông già tuyết, cây thông Noen… thắp sáng dưới ánh sáng màu, thu hút nhiều khách du lịch tới chụp ảnh.
Anh Ngô Minh Nhật cho biết: Đã từ 1 tháng nay, các thanh niên trong giáo phận đã náo nức chuẩn bị trang trí cho ngày lễ trọng này. Mỗi ngày có tới hơn 100 người, từ những giáo dân cho tới các sinh viên đang cư trú trên địa bàn cũng tới đây, tham gia thiết kế, trang trí các tiểu cảnh…
Tại Nhà thờ Chánh toà, nhà thờ chính của Giáo phận Đà Lạt, hàng trăm cây thông Noen bằng ánh sáng đã được dựng lên dọc các đường đi. Những tiểu cảnh mô tả đêm Giáng sinh được dựng lên trong khuôn viên nhà thờ, thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng và đón chào ngày Chúa Giáng sinh cùng với bà con giáo dân.
Gặp vợ chồng cụ Đào Thị Quân, 67 tuổi ở đường Hai Bà Trưng (thành phố Đà Lạt) tới dự Lễ Noen, cụ cho biết: Cụ là người Sài Gòn, cưới rồi theo chồng lên Đà Lạt sinh sống đã 45 năm rồi. Cụ đã tham dự rất nhiều lễ Giáng sinh, nhưng năm nay cũng có nhiều điều khác lạ. Đó là bởi mùa Giáng sinh này đúng vào Festival Hoa Đà Lạt. Mà đêm nay lại diễn ra Chương trình “Duyên dáng Việt Nam” , nên du khách trong và ngoài nước đổ về rất đông. Đà Lạt vì thế mà vui nhộn hẳn lên, không khí tưng bừng hơn những mùa Giáng sinh trước. Năm nay Giáng sinh cũng lạnh hơn, nên nhìn những người khách du lịch từ nơi khác tới đi co ro trong giá lạnh của Đà Lạt cũng rất thú vị …
Tiếp phóng viên TTXVN tại Toà Giám mục Đà Lạt, Đức cha An Tôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt cho biết: Lễ Giáng sinh mỗi năm tổ chức tốt hơn, các nhà thờ trang trí đẹp hơn, chứng tỏ đời sống của giáo dân đã khá hơn. Ở tỉnh Lâm Đồng có 50% đồng bào dân tộc thiểu số là người theo đạo công giáo, có 150.000 người dân tộc trong tổng số 0.000 người công giáo toàn tỉnh. Cuộc sống của bà con khá đơn sơ, không được như người Kinh. Bây giờ bà con người dân tộc và người Kinh sống chan hoà với nhau, nhưng vẫn giữ sắc thái văn hoá riêng. Chuẩn bị cho Lễ giáng sinh, nhà thờ nào cũng trang trí cho Đêm giáng sinh ngày 24 và chính ngày Giáng sinh vào ngày 25.
Ngoài những buổi lễ theo tôn giáo, còn có các buổi diễn nguyện, trình diễn thánh ca và có nhiều giáo xứ, giáo dân tổ chức giúp đỡ các gia đình nghèo, những người kém may mắn, trẻ em gặp khó khăn. Chủ để của Giáo hội năm nay là quan tâm đến các gia đình trẻ, quan tâm đến xây dựng đời sống gia đình cho giáo dân, bởi các gia đình là tế bào của xã hội, hiện nay các gia đình gặp khủng hoảng cũng nhiều. Nếu không gần gũi giúp đỡ thì không vượt qua được…
Đồng Nai: Hơn 1 triệu giáo dân vui đón Giáng sinh
Từ chiều 24/12, không khí đón Giáng sinh ở Đồng Nai trở nên đặc biệt sôi động, tại các nhà thờ, giáo dân gấp rút hoàn thiện các mô hình trang trí, bố trí thêm hệ thống ánh sáng, âm thanh, chuẩn bị bàn ghế. Các gia đình theo đạo thiên Chúa lau dọn nhà cửa, sân vườn. Đến hơn 19 giờ, người người trong những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất đồng loạt đổ ra đường, tiến về các nhà thờ, xứ đạo, điểm vui chơi. Đêm Noel hân hoan, an lành tràn ngập trên các nẻo đường, thôn ấp ở Đồng Nai.
Những gia đình nhỏ đã cùng nhau tìm đến các trung tâm thương mại để vui chơi, chụp hình kỷ niệm. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
Ở Đồng Nai, giáo xứ Tân Mai (thành phố Biên Hòa) là một địa điểm nổi tiếng. Chập tối 24/12, hàng ngàn lượt người từ các nơi đổ về đây vui chơi, chiêm ngưỡng các mô hình trang trí phong phú, sống động do giáo dân dựng lên. Năm nay, giáo xứ Tân Mai làm một hang đá lớn trong khuôn viên nhà thờ, thiết kế cảnh sinh hoạt của gia đình Chúa Giêsu. Đức Mẹ Maria ngồi thêu áo, ông Giuse bào gỗ còn Chúa Giêsu phụ cha đẽo gỗ; thiên thần kéo chuông nhà thờ, thiên thần thổi kèn. Nhiều gia đình ở khu vực này tự dựng hang đá với quy mô lớn, cao hơn 5 mét.
Người dân đến giáo xứ Tân Mai thuộc nhiều thành phần, mọi lứa tuổi, đông nhất là thanh niên. Nhiều gia đình đưa theo trẻ nhỏ, có em mới 2, ba tuổi, được ngồi trên vai bố mẹ, dù chưa hiểu chuyện, nhưng khi nhìn vào ánh đèn màu, hình ảnh trang trí, trong ánh mắt các em hiện lên niềm vui, sự háo hức. Chị Nguyễn Thanh Huyền (32 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: "Tôi có con nhỏ mới 2 tuổi, hôm nay đưa cháu đi chơi, nó rất vui, nhìn vào đâu cũng đòi đến. Đưa con đi thế này tôi thấy bổ ích, cháu được tiếp xúc với cái mới, không khí nhộn nhịp sẽ tốt cho sự phát triển, bồi đắp tâm hồn trẻ. Qua những lần đi chơi, tôi muốn gieo vào trí nhớ của cháu những ấn tượng tốt đẹp về cuộc sống".
Tại giáo xứ Tây Hải (thành phố Biên Hòa), năm nay, ngoài tạo mô hình hang đá, cây thông, đoàn tuần lộc giáo xứ còn sáng tạo ra hình ảnh các vị thánh đang lao động, chăm sóc con, ông già Noel giã gạo. Những hình tượng này nhằm nhắc nhở mọi người sống có trách nhiệm, yêu thương gia đình, yêu lao động, luôn nhớ về nghề truyền thống, cội nguồn. Do cách bài trí độc đáo, mang ý nghĩa giáo dục cao nên trong tối 24/12, nhiều bạn trẻ tập trung đến giáo xứ để chụp hình lưu niệm.
Anh Nguyễn Văn Tùng (24 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Tôi không theo đạo thiên Chúa, nhưng đêm Noel tôi vẫn cùng bạn bè đến nhà thờ chơi. Không khí hôm nay rất vui, trong lòng tôi thấy phấn khởi. Trong khung cảnh này, tâm hồn mọi người trở nên rộng mở hơn, tôi đã làm quen được 3 người bạn mới".
Với trên 1 triệu giáo dân, Đồng Nai là tỉnh có đông đồng bào theo đạo thiên Chúa nhất ở nước ta. Đêm Noel, do lượng người đổ ra đường đông nên ngành chức năng ở Đồng Nai đã huy động đông đảo lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, điều tiết giao thông. Ở những nhà thờ đặt gần Quốc lộ 1A như Hà Nội (thành phố Biên Hòa), Bùi Chu, Thanh Hóa (huyện Trảng Bom), các chiến sỹ công an còn hướng dẫn, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em sang đường.
Theo Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, những năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn Đồng Nai luôn ý thức “sống tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sông văn hóa ở khu dân cư, chung tay vì người nghèo. Mỗi năm, người công giáo trong tỉnh đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho công tác bác ái, từ thiện, chăm sóc trẻ mô côi, nuôi dưỡng người khuyêt tật, người già không nơi nương tựa. Mở nhàng loạt quá cơm, phòng khám bệnh miễn phí phục vụ người nghèo.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến nay, các tổ chức công giáo tại Đồng Nai đã thành lập 36 trường và hơn 100 nhóm lớp mầm non ngoài công lập do các cơ sở Công giáo thành lập. Hầu hết các cơ sở giáo dục này đều đáp ứng được các tiêu chí của ngành, áp dụng nhiều hình thức dạy và học mới (học mà chơi, chơi mà học), đem lại môi trường giáo dục tiên tiến cho trẻ.
Đặc biệt, Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã thành lập Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, đây là trường cao đẳng đầu tiên và duy nhất của cả nước do tổ chức công giáo lập ra. Với phương châm “Thăng tiến con người toàn diện”, vừa trang bị kiến thức, vừa nâng cao sức khỏe, trao dồi đạo đức, trường trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bạn trẻ. Đến nay, Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc có khoảng 2.300 học sinh, sinh viên theo học tại 9 khoa với 18 ngành. Để tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội học tập, trường thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Vũ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai cho rằng, Giáng sinh là một hoạt động của tôn giáo, nhưng nay đã thâm nhập sâu vào vùng đất, con người Đồng Nai. Chính quyền Đồng Nai luôn tạo điều kiện cho đồng bào công giáo được sinh hoạt trong khuôn khổ pháp luật; những dịp lễ lớn như Giáng sinh, tỉnh hỗ trợ bà con về mọi mặt, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo diễn ra an vui. Với tâm niệm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, người công giáo ở Đồng Nai đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Với giáo dân, mùa Giáng sinh năm nay ấm áp hơn, an lành hơn, bởi những năm qua, họ là những công dân tốt.
Hải Dương: Giáng sinh là dịp để hể hiện tình yêu thương
Trước thời khắc thiêng liêng đối với bà con giao dân, khắp Hải Dương đều sáng rực lên bởi đèn hoa, cây thông, ông già tuyết, đàn tuần lộc trang trí. Không khí đón Giáng sinh không chỉ ở khu vực trung tâm, các thị xã, thành phố mà còn len lỏi đến từng đường làng, thôn quê, những con ngõ nhỏ, ánh lên trong ánh mắt nam thanh, nữ tú và trong mỗi gia đình giáo dân.
Thời tiết năm nay lạnh hơn mọi năm nhưng không vì thế mà không khí đón Giáng sinh trầm lắng. Khắp mọi nơi, bà con nhân dân không kể lương hay giáo cùng đổ ra đường, kéo đến những nhà thờ lớn để cùng nắm tay, chúc nhau những lời chúc an lành và một mùa Giáng sinh hạnh phúc.
Tại huyện Bình Giang nơi có đông bà con giáo dân sinh sống, không khí Giáng sinh lại càng tràn ngập. Khắp các con đường dẫn vào nhà thờ của Giáo xứ thánh An Tôn và giáo xứ Kẻ Sặt chật cứng người và xe. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang cho biết: Huyện có 2 giáo xứ; 4 họ đạo, 5 khu đạo với khoảng trên 7.000 giáo dân.
Trên địa bàn huyện ở những nơi có đạo công giáo thì bà con giáo dân và lương dân sinh sống xen kẽ nhưng rất đoàn kết. Hàng năm vào những ngày chuẩn bị đón giáng sinh họ đều cùng nhau trang hoàng nhà cửa, chăng đèn kết hoa ngoài đường phố tạo không khí vui tươi phấn khởi, không có sự phân biệt giữa bà con giáo dân và lương dân mà tất cả hòa vào làm một. Bà con giáo dân ở Giáo xứ thánh An Tôn chủ yếu sinh sống tập trung ở thị trấn Sặt (chiếm khoảng 1/3 dân số) và Giáo xứ Kẻ Sặt tập trung ở xã Tráng Liệt (chiếm 80% dân số).
Ông Lê Thọ Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Sặt nhận xét: Bà con giáo dân nơi đây có đời sống kinh tế khá, thậm chí cao hơn so với mặt bằng chung của toàn huyện. Trước đây, giáo họ Đồng Xá sinh sống lênh đênh trên sông nước, nhưng từ khi được nhà nước quan tâm, đưa lên bờ, cấp đất, bà con giáo dân đã tự tìm nghề phụ, kinh doanh dịch vụ nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống ổn định.
Linh mục Phạm Văn Toản, Giáo xứ Thánh An Tôn chia sẻ: "Giáo dân nơi đây được chính quyền tôn trọng và tạo điều kiện hết mức để sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo quan hệ với chính quyền thường xuyên và gắn bó. Bà con giáo dân chúng tôi hết sức đoàn kết với nhân dân tại nơi sinh sống. Mỗi mùa Giáng sinh, chúng tôi đều tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong giáo phận, không phân biệt lương hay giáo. Đón Giáng sinh giờ không chỉ có giáo dân mà tất cả người dân cùng hòa chung vào niềm vui này. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và bằng nỗ lực của mình, giáo dân đã có cuộc sống khá hơn, vì vậy việc tổ chức Noel năm nay cũng rộn ràng, tươi vui hơn so với những năm trước".
Đối với đồng bào Công giáo, lễ Giáng sinh là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương, chia sẻ những khó khăn trong thời gian qua để cùng nhau đoàn kết, hướng đến những điều tốt đẹp. Đồng bào Công giáo ai cũng có niềm tin vào những phúc lành và sự màu nhiệm từ Chúa sẽ được gửi đến tất cả mọi người, để ai cũng có cuộc sống ấm no, đủ đầy và hạnh phúc. Bà con giáo dân trên địa bàn huyện Bình Giang luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, quan tâm giáo dục con cháu sống có đạo đức, nhân nghĩa, thực hiện lời răn của Chúa “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “Kính Chúa yêu nước”, “Tốt đời đẹp đạo”, không để kẻ xấu lợi dụng gây mất đoàn kết lương - giáo.
Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo các huyện, thị xã cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà Giáo xứ và bà con giáo dân; tạo điều kiện tốt nhất để bà con giáo dân đón một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.