Khát "ô sin" sau Tết

Tình trạng người giúp việc nghỉ Tết rồi... nghỉ luôn khiến nhiều gia đình tá hỏa bởi sinh hoạt và công việc bị ảnh hưởng.

Buổi đi làm đầu tiên sau Tết, trong lúc đồng nghiệp hào hứng đi liên hoan thì nhiều bà mẹ trẻ nhấp nha nhấp nhổm chỉ muốn mau chóng về vì ở nhà toàn là những người trông trẻ “nghiệp dư”.

Chị Nguyễn Thúy Hằng, làm ở Phòng Tài nguyên môi trường huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) là một ví dụ. Mặc cho các đồng nghiệp chèo kéo, chị vẫn phải hoãn các cuộc liên hoan tân niên linh đình lại. Chị Hằng giãi bày: “Cháu nhà mình bắt đầu tập đi. Bà nội thì đã hơn 70 tuổi, khó mà trông được. Mình nhờ người quen khắp nơi giới thiệu "ô sin" (người giúp việc).

Nhưng ở huyện mình, "phong trào" làm ô sin chưa thịnh hành như ở phố nên tìm người khó quá! Trung tâm giới thiệu việc làm chẳng có”. Tạm thời trong lúc chưa tìm được ô sin, chị Hằng đành nói khó với đồng nghiệp và sếp thông cảm, xin được đi làm muộn hơn, về nhà sớm hơn mọi lần.

"Cháy hàng" người giúp việc

Vì đã quen nếp có người “đỡ đần”, nay đột nhiên, ô sin thì “bùng” việc hoặc đòi ở nhà đến qua rằm mới ra khiến nhiều ông bố bà mẹ tá hỏa với đứa con nhỏ tầm 1 - 2 tuổi không có ai trông. Tại một số diễn dàn trên Internet dành cho các ông bố, bà mẹ trẻ, nhiều bà nội trợ thi nhau giãi bày sự khổ sở vì thiếu ô sin, nhờ bạn bè mách nơi nào thuê người giúp việc.

Sau Tết nhiều gia đình phải nghỉ làm vì thiếu “ô sin”.


Một bà mẹ trẻ có nick là oreka (nhà ở phố Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Tình hình là cô giúp việc nhà em đã nghỉ mất rồi. Các mẹ nào có mối thì giới thiệu giúp em với! Số điện thoại của em là: 0904… Em xin cảm ơn và hậu tạ”. Một thành viên trên diễn đàn www.lamchame.com kêu: “Nhà em đang muốn tìm người giúp việc đây. Toàn kiểu về Tết rồi về luôn mới chán chứ. Có mẹ nào biết giới thiệu cho em với!”.

Phần lớn ô sin đều từ nông thôn và chỉ coi làm ô sin như một công việc tạm thời. Nhiều người sau Tết có những kế hoạch khác. Họ sẽ tắt điện thoại, “im thin thít và lặn mất tăm” khiến cho gia chủ không thể liên lạc được. Hoặc, lịch sự hơn, họ gọi điện thẽ thọt, ấp úng xin nghỉ việc. Thôi thì đủ loại lý do: Cháu nhớ nhà, cháu về quê… lấy chồng, hay: Tôi về trông con cho thằng con giai, con tôi không cho tôi đi nữa.

Ô sin nghỉ việc, khó khăn đổ lên đầu gia chủ. Rất khó tìm được ô sin thay thế ngay lập tức, nhất là giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết. Công việc chính của các ông bố, bà mẹ trẻ không phải là liên hoan tân niên mà là đôn đáo tìm ô sin. Chị T.H nhà ở phố Đội Cấn, Hà Nội là một ví dụ. Trước Tết ít tháng, chị được người quen giới thiệu một ô sin 16 tuổi. Chưa kịp mừng thì sau khi cô bé ô sin về quê ăn Tết, đã “có chuyện”.

Ngày mùng 3 Tết, điện về chúc Tết gia đình cô bé thì được tin “cháu không ra làm nữa vì mẹ ốm”. Nhà có con nhỏ, lại bận việc cơ quan, thế là, mới mùng 3 Tết, chị phải điện thoại cho tất cả những người bạn, đồng nghiệp ở quê, nhờ mọi người giới thiệu ô sin giúp. Tuy nhiên, sau 1 tuần, những người quen của chị đều báo là không có. Đến nay, đi làm đầu năm đã được 1 tuần mà vẫn chưa tìm được ô sin, cả nhà chị đành phải khổ sở phân công nhau trông coi con nhỏ. Chồng chị cũng phải về sớm hơn. Thi thoảng, phải a lô lên cơ quan để “cầu cứu” vợ.

Những câu chuyện hài hước về các ông bố, bà mẹ ở thành phố rơi vào tình trạng dở khóc dở cười xung quanh việc tìm ô sin sau Tết cũng xuất hiện trên nhiều mặt báo. Đó là chuyện chị Hoàng Lan ở quận Ba Đình, Hà Nội đã phải họp gia đình để đi đến quyết định: Về quê bác giúp việc cách Hà Nội hơn 300 cây số lấy cớ là chúc Tết, nhưng mục đích chính là thuyết phục và đón bác giúp việc lên.

Để thoát khỏi cảnh sau Tết thiếu ô sin, trước Tết rất nhiều gia đình đã chọn cách "chăm sóc" đặc biệt với người giúp việc. Chị Vũ Thị Hương, ngõ Văn Nhân (thành phố Nam Định) đã lì xì hậu hĩnh cho cô bé giúp việc. Tiền lương, tiền thưởng Tết lại thêm quà cáp cho người thân, quần áo cho con bé về quê chơi Tết nhưng kết quả, sau Tết cô bé giúp việc vẫn "bặt vô âm tín" dù anh chị đã gọi hàng chục cuộc điện thoại.

Tăng giá, vẫn "khát"

Tại Nam Định, ô sin giờ đã không còn là "nghề của nông dân" những khi mùa màng thất bát mà đã trở thành một nghề của không ít những người dân thành phố. Theo nhiều gia chủ cho biết, người giúp việc hiện nay khá sành sỏi trong việc “làm giá” với gia chủ. Họ đưa ra hàng chục lý do để nghỉ việc sau Tết, thậm chí còn mặc cả nếu lên đúng ngày thì sẽ được thưởng thêm gì hay đòi hỏi gia chủ nhiều quyền lợi.

Dù đang rất cần người giúp việc nhưng vợ chồng chị Bình (ngõ 72 Trần Thái Tông, thành phố Nam Định) vẫn ngỡ ngàng vì cô giúp việc "hét" giá "ngất trời". Ngoài tiền lương tháng 2,2 triệu đồng, một số điều khoản đi kèm nữa của cô giúp việc khiến anh chị ái ngại "chẳng lẽ lương công chức chỉ đủ trả tiền công và nuôi ô sin!", chị Bình than thở.

Cung tăng, cầu giảm khiến các trung tâm giới thiệu việc làm được dịp hét giá. Phí môi giới tăng vọt từ 400.000 đồng lên 600.000 đồng/lượt giới thiệu. “Có chỗ còn lấy 800.000 đồng/lượt giới thiệu. So với họ, chỗ chúng tôi vẫn còn mềm chán!”, Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm ở đường Nguyễn Văn Trỗi cho biết. Tiền lương cho người giúp việc cũng vì thế, tăng theo. Ở trung tâm này, trước kia, lương tháng cho mỗi ô sin là 1,6 triệu đồng/tháng. Sau Tết, mức giá không dừng lại ở đây.

Trong lúc đó, người giúp việc vẫn “chảnh”. Đa phần họ đều ở các vùng nông thôn, hơn thế, coi việc đi làm ô sin là nghề tự do nên rất đủng đỉnh, tâm lý cứ thường phải qua rằm tháng giêng mới hết Tết, tính đến chuyện đi làm. Điện thoại tới một trung tâm ở khu tập thể Nam Đồng, điện thoại liên tục báo bận. Sau khi kiên trì gần chục cuộc, chị Thủy (nhà ở khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) mới được tiếp.

Nhưng vừa mới hỏi: “Có phải chỗ mình giới thiệu người giúp việc không?”, chị Hường - quản lý trung tâm này cho biết: “Bây giờ còn người giúp việc nhưng chúng tôi phải dành suất cho những khách hàng đã đăng ký từ trước Tết. Nếu có nhu cầu, may ra 1 tuần nữa, chị liên hệ lại thì mới có”. Tại một trung tâm môi giới người giúp việc khác trên đường Nguyễn Văn Trỗi cũng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh Thắng, Giám đốc trung tâm này cho biết: “Từ mùng 6 Tết, ngày nào cũng liên tiếp có người gọi điện tới thuê ô sin. Nhưng chỗ chúng tôi chỉ mới giới thiệu được cho 4 khách hàng”.

Dạo qua các trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội, đầu năm, chỉ thấy “nóng” chuyện tìm ô sin. Nhưng tình hình chung là phải sau rằm tháng giêng, các trung tâm mới dồi dào nhân lực để cung ứng. Hiện tại, nhiều trung tâm đã có lao động đăng ký nhưng đều hẹn sau rằm mới ra nhận việc.

Mạnh Minh - Mỹ Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN