Ông Lê Tấn Ích, nguyên Trưởng thôn Long Thạnh Tây chia sẻ, sống giữa bốn bề sông nước nhưng người dân thôn Long Thạnh Tây không có nghề biển. Người dân nơi đây sống bằng nghề giăng lưới, đặt chài, đặt rớ trên sông. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, giao thương với đất liền khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trong thôn bây giờ chỉ còn lại phần lớn người già và trẻ con. Con em trong thôn, nhiều cháu rất ham học nhưng giao thông cách trở, không có điều kiện để học cao lên.
Mùa mưa bão, chẳng may trong thôn có người bị bệnh, cả thôn nháo nhào, song cũng phải bó gối thúc thủ. Muốn vào chữa trị kịp thời trong đất liền chỉ có thể nhờ ca nô của Bộ đội Biên phòng. Cuộc sống khó khăn như vậy nên thanh niên trong thôn phần lớn vào đất liền làm việc tại các khu công nghiệp. Một số có điều kiện mua đất làm nhà, còn phần lớn ở nhà trọ. Mong muốn của hầu hết bà con trong thôn là được định cư trong đất liền để bớt khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong mùa mưa bão và để cho các cháu nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn. Đây chính là những khát khao cháy bỏng của bà con làng chài Long Thạnh Tây trong những ngày đầu năm mới này, ông Lê Tấn Ích bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, do giao thương cách trở, mọi sinh hoạt của bà con ở thôn Long Thạnh Tây rất khó khăn. Nhiều năm qua, bài toán về nguồn nước sạch vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Hàng chục năm trước đã có đường ống vượt sông, đưa nước ngọt từ xã Tam Giang qua thôn nhưng tác động của nhiều yếu tố, của triều cường, đường ống này đã bị hư hỏng, không còn sử dụng được. Do vậy về mùa nắng, nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt bị khan hiếm. Nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn không đóng được giếng, cả thôn dùng chung mấy giếng khơi, bà con phải mua nước ngọt từ bên ngoài. Đầu mùa mưa bão, phương án sơ tán dân trong thôn vào đất liền luôn được đặt lên hàng đầu vì Long Thạnh Tây là nơi đầu sóng ngọn gió.
Trước những khó khăn của bà con, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây các tuyến kè chắn sóng, trồng rừng ngập mặn nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất. Riêng thôn Long Thạnh Tây, nhiều đoạn xung yếu đã được xây kè chống sạt lở, song vẫn không ngăn chặn được tình trạng “biển hóa” làng chài bởi triều cường và sóng biển triền miên.
Theo, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Lê Văn Sinh để giảm bớt khó khăn của bà con thôn Long Thạnh Tây, nhất là trong mùa mưa bão, vấn đề tái định cư cho bà con được đặt lên hàng đầu. Song việc bố trí tái định cư ở đâu cho phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện sản xuất, sao cho cuộc sống nơi tái định cư tốt hơn so với nơi ở cũ là vấn đề tiên quyết. Trước mắt, trong thời gian tới đây, huyện Núi Thành sẽ thí điểm bố trí một số hộ dân ở thôn Long Thạnh Tây về tái định cư ở xã đất liền Tam Quang cách đó không xa. Sau đó sẽ lần lượt chuyển hết bà con trên ốc đảo vào đất liền sinh sống, tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ những khó khăn về giao thông đi lại, về nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, điều kiện khám chữa bệnh, nạn sạt lở đất, điều kiện học hành của con em trên ốc đảo, nhất là mong muốn có nơi tái định cư ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho bà con ổn định đời sống và phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho con em trên đảo có cơ hội học tập tốt hơn, trong chuyến khảo sát tại thôn Long Thạnh Tây vào ngày 10/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh “Tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, khai thác tiềm năng và thế mạnh để không ngừng vươn lên trở thành tỉnh khá trong cả nước. Vì vậy không có lý do gì để thôn Long Thạnh Tây, vùng đất cách mạng kiên cường, con người kiên trung, bất khuất, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể này lại bị tụt lại phía sau”.
“Huyện Núi Thành đã và đang trở thành địa phương có tốc độ đầu tư lớn nhất tỉnh Quảng Nam và khu vực về công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, sân bay. Vì vậy sắp xếp lại chỗ ở, giúp bà con trên đảo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện cho con em thôn Long Thạnh Tây được học hành tốt hơn, có tương lai tốt đẹp hơn, để con em vùng đất cách mạng kiên trung này không bị tụt lại phía sau là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Núi Thành nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định.