Khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Thực tế sau 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (1/7/2009 - 1/7/2012) cho thấy, để “cán đích” bảo hiểm y tế cho toàn bộ người dân vào năm 2014 như mục tiêu mà Luật Bảo hiểm y tế đề ra là rất khó khăn. Một trong các lý do là phần lớn những người hiện nay chưa tham gia bảo hiểm y tế đều không có nguồn thu ổn định hoặc không thuộc sự quản lý của tổ chức xã hội nào.

 

“Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua còn chậm. Ngoài những đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm, tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo, tự nguyện tham gia BHYT còn thấp”, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, thừa nhận về những vướng mắc sau 3 năm triển khai Luật BHYT.

 

74% người cận nghèo không mặn mà


Theo quy định của Luật BHYT thì từ 1/7/2010, nhóm người dân thuộc hộ cận nghèo có trách nhiệm phải tham gia BHYT. Để khuyến khích nhóm đối tượng này, hiện nay Nhà nước đã hỗ trợ 70% mức đóng thẻ BHYT và giảm trừ mức đóng theo tỷ lệ nhất định nếu trong một hộ gia đình có nhiều người cùng tham gia BHYT.
“Thế nhưng, tới nay mới có khoảng 25% trong tổng số 13 - 14 triệu người cận nghèo tham gia BHYT. Đây là một con số khiêm tốn, đồng thời cũng thể hiện sự kém hiệu quả của các dự án hỗ trợ”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), cho biết.


Thực tế, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động hỗ trợ hoặc được các dự án quốc tế hỗ trợ thêm 10- 20% kinh phí mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, nghĩa là người cận nghèo chỉ cần bỏ thêm 20- 30% mức đóng thẻ BHYT là được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân về chính sách BHYT chưa đầy đủ, thậm chí dưới mức cần thiết nên họ chưa “mặn mà” với việc tham gia BHYT. Theo khảo sát của ngành BHXH VN, có nơi người dân chưa biết mình là đối tượng được ưu tiên khi tham gia BHYT, thậm chí có người còn không hay biết thông tin gì về chính sách BHYT.


Người bệnh có thẻ BHYT được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

“Phần lớn người cận nghèo có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, ít có khả năng tham gia BHYT. Vậy nên, như tỉnh Bến Tre dù đã hỗ trợ mức đóng BHYT tới 80% và ngành BHXH đã in sẵn thẻ, người cận nghèo chỉ đóng thêm 20% và tới lấy thẻ nhưng họ cũng chẳng đến lấy cho”, một cán bộ của ngành BHXH VN chia sẻ.


Theo bà Tống Thị Song Hương, nguyên nhân của thực trạng trên còn do sự phối hợp liên ngành ở các tỉnh, thành phố trong việc triển khai mở rộng đối tượng tham gia BHYT chưa chặt chẽ. Đặc biệt, việc xác định đối tượng để lập danh sách cấp thẻ BHYT chưa kịp thời, nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo. Thông tin về việc hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo vẫn chưa đến được với nhiều người dân nên đa số không biết mình được hỗ trợ những gì, địa điểm nơi mua thẻ BHYT ở đâu...


25% học sinh, sinh viên chưa có thẻ BHYT


Theo tính toán của ngành BHXH VN, học sinh, sinh viên (HSSV) là nhóm đối tượng có số lượng rất lớn, khoảng 20 triệu người trong tổng số khoảng 88 triệu dân số VN. Nếu trừ đi số HSSV nằm trong các nhóm khác như hộ nghèo, diện chính sách xã hội… thì còn khoảng 14 triệu HSSV bắt buộc phải tham gia BHYT. Nhưng sau 3 năm triển khai Luật BHYT đến nay mới chỉ có khoảng 10 triệu HSSV tham gia BHYT, tương đương 75% tổng số HSSV.


Việc mở rộng đối tượng HSSV tham gia BHYT gặp khó khăn là do người trực tiếp đóng tiền, mua thẻ BHYT là phụ huynh hoặc người giám hộ chứ không phải HSSV, đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Hiện nay, mức đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT (khoảng 300.000 đồng) của nhóm đối tượng này cũng cao hơn so với trước đây (khoảng 200.000 đồng). Trong khi đó, HSSV là nhóm đối tượng ít có khả năng ốm đau nên các bậc cha mẹ dễ chủ quan.


Tại các nhà trường hiện cũng có rất nhiều loại hình bảo hiểm cùng “cạnh tranh”. Trong khi đó, cơ chế chính sách lại chưa tạo được khoản kinh phí khuyến khích hoặc chi hoa hồng cho những đối tượng có điều kiện trợ giúp cho việc phát triển BHYT như giáo viên, cha mẹ HSSV. “Khi chưa có Luật BHYT, tức là giai đoạn thực hiện BHYT tự nguyện cho HSSV, thì vẫn có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nhà trường trợ giúp việc phát triển BHYT cho HSSV. Thế nhưng, hiện nay thì cơ chế chính sách này không còn duy trì”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.

 

20 triệu người khó “phủ sóng” bảo hiểm


Theo ông Sơn, ngoài 2 nhóm đối tượng nêu trên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT thời gian tới cũng gặp không ít khó khăn đối với nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, thân nhân người lao động và nhóm người lao động tự do. Bởi đa số những người này có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào quản lý.


Ví dụ, nếu được xác định là có mức sống trung bình thì theo quy định những người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức phí tham gia BHYT và được giảm trừ mức đóng từ người thứ 2 trong gia đình tham gia BHYT. Nhưng đến nay, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn chưa ban hành được “chuẩn” về mức sống trung bình nên chưa có cơ sở để triển khai việc hỗ trợ nếu những người dân này tham gia BHYT. Ngoài ra, do phần lớn những người trong đối tượng này không thuộc sự quản lý của một tổ chức xã hội nào nên rất khó khăn trong việc thống kê danh sách. “Đa số nhóm đối tượng này chỉ tham gia khi ốm đau, nên tỷ lệ bao phủ BHYT ở nhóm người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp chưa đáng là bao. Đây là một vướng mắc không nhỏ trong quá trình thực hiện BHYT toàn dân vì số lượng dân số ở nhóm này là khoảng 20 triệu người”, ông Sơn chia sẻ.


Như vậy, việc triển khai BHYT đối với 36% dân số còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì những đối tượng dễ triển khai thì nay đều đã thực hiện xong, hiện chỉ còn lại nhóm đối tượng tự đóng toàn bộ hoặc được hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT. Và trong nhóm tự đóng, những người có nhu cầu khám chữa bệnh (bệnh mạn tính và hay ốm đau) đều đã tham gia nên tới nay chỉ còn những đối tượng ít có khả năng chi trả hoặc chưa biết đến thông tin về BHYT. Thực tế này cũng có nghĩa tới năm 2014, Việt Nam chưa thể thực hiện được BHYT toàn dân như lộ trình mà Luật BHYT đã đặt ra. Chính vì vậy, ngành y tế đang gấp rút xây dựng Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ xem xét để phê duyệt việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân, nhằm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành cùng “vào cuộc” để sớm mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

 

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN: “Nên triển khai BHYT theo hộ gia đình...”

Trong tháng 7/2012, Bộ Y tế, BHXH VN và Bộ Tài chính sẽ tổ chức một hội nghị lớn để tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề xuất các giải pháp để phát triển BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo. Và một trong những giải pháp được hướng tới là BHXH VN đề nghị phát hành thẻ BHYT có mệnh giá khác nhau cho nhóm đối tượng này. Ví dụ, phát hành thẻ BHYT có giá trị hỗ trợ viện phí tương ứng với 100% mức đóng, nghĩa là khi nhận thẻ này, người cận nghèo sẽ phải đóng nốt 30% mức đóng còn lại. Bên cạnh đó, cũng phát hành thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng 70% mức đóng, người cận nghèo sẽ không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác. Ngoài ra, cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2012, chúng tôi sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một hội nghị để tổng kết, đánh già việc thực hiện và đề xuất các giải pháp để phát triển BHYT cho nhóm HSSV. Trọng tâm là xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm phát triển được độ bao phủ thẻ BHYT ở nhóm đối tượng này. Đồng thời, đưa ra đề xuất về sự hỗ trợ của ngân sách về mức đóng cho HSSV, trong đó cũng phải tính đến sự khác biệt giữa các vùng kinh tế - xã hội… Đặc biệt, BHXH VN đang hướng tới việc đề nghị sửa đổi Luật BHYT theo hướng tham gia BHYT theo hộ gia đình thay vì cá nhân như hiện nay. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho thấy, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là một cách thức tối ưu, có thể sớm đưa VN tới “đích” thực hiện BHYT toàn dân hơn.

 

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế: “Sẽ trình Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình BHYT đến năm 2020”

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về BHYT trên cơ sở đánh giá các quy định của Luật BHYT để có những đề xuất sửa đổi bổ sung luật và các văn bản hướng dẫn khác cho phù hợp. Dự kiến, trong quý III/2012, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình tiến đến BHYT giai đoạn 2012 - 2015 và 2020. Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT. Hình thức tuyên truyền sẽ thiết thực hơn, gắn với những vấn đề mà người dân quan tâm như: Mua thẻ bảo hiểm ở đâu, người dân được hưởng quyền lợi gì và sẽ phải cùng chi trả viện phí như thế nào. Công tác nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về BHYT từ TƯ đến địa phương sẽ được tăng cường. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, chống lạm dụng quỹ BHYT. Tập trung hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc như: Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến khám chữa bệnh, phát hành thẻ BHYT, một số quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi... Tiếp tục triển khai chương trình của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện và BHYT. Riêng cơ quan BHXH VN tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, bảo đảm kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và sử dụng quỹ BHYT hiệu quả…

 

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN