Theo thông tin được công bố tại Ngày hội Rau an toàn do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) tổ chức tại Hà Nội mới đây, có đến 90% người tiêu dùng cho biết họ không thể phân biệt được đâu là “rau sạch" và đâu là rau không sạch.
Đa phần người tiêu dùng biết rau an toàn tốt tới sức khỏe nhưng việc tìm mua được rau an toàn lại không đơn giản. Tại một số trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, diện tích quầy hàng dành cho rau an toàn rất hạn chế; số lượng và chủng loại rau cũng ít, chỉ được 5 - 6 loại rau như cải ngọt, bắp cải, su hào, rau muống... Theo đại diện siêu thị Fivimart, doanh thu từ kinh doanh rau an toàn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Đây là mặt hàng kinh doanh chủ yếu vì mục đích làm phong phú chủng loại hàng hóa chứ không phải mang tính lợi nhuận.
Nhu cầu về rau an toàn khá lớn nhưng việc trồng và kinh doanh rau an toàn cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện một số hợp tác xã trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội cho biết: Rau an toàn vào siêu thị, trung tâm thương mại thì sẽ được giá hơn ở thị trường tự do. Nhưng, người tiêu dùng vào siêu thị để mua nhiều hàng hóa, trong đó có thể lựa chọn rau an toàn chứ không phải vào siêu thị, trung tâm thương mại chỉ để mua rau an toàn nên lượng hàng bán cũng không được nhiều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn rau vào siêu thị, trung tâm thương mại thì phải có các hóa đơn chứng từ cần thiết. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã không mặn mà khi đưa rau an toàn vào siêu thị. Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đầu tư để phân phối sản phẩm rau an toàn ra thị trường, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại đóng cửa vì một lý do đơn giản là kinh doanh rau sinh lãi ít và đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, hiểu biết của người tiêu dùng về rau an toàn cũng rất hạn chế. Bà Hoàng Thị Mai, phố Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho rằng, việc mua rau an toàn không dễ do mua rau ở chợ thì khó đảm bảo mà mua trong siêu thị thì lại ngại phải đi xa. Bà Mai cũng chỉ biết nhận diện rau an toàn bằng cách "thô sơ" là thấy cây rau hơi cằn, lá không mượt, thậm chí nếu có biểu hiện, dấu vết hoạt động của sâu (!?) thì càng tốt vì như thế chứng tỏ rằng rau không "phủ đầy" thuốc sâu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, rau an toàn còn được bán ở các chợ nhưng người tiêu dùng lại thường ngại mua ở đây vì sợ tình trạng nhập nhèm giữa “rau sạch” và “rau bẩn”. Khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, nhiều người tiêu dùng vẫn đánh giá rằng nhận biết rau an toàn bằng cảm quan. Trong số 1.239 người được khảo sát về việc nhận biết rau an toàn thì có 764 người cho biết, họ không phân biệt được rau an toàn bằng mắt thường. Do đó, đa phần người tiêu dùng phải ngâm rửa kỹ thực phẩm nói chung và rau xanh nói riêng trước khi chế biến để tránh ngộ độc thực phẩm.
Người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp cận với các kênh phân phối rau an toàn cũng là một lý do khiến việc sử dụng rau an toàn còn hạn chế. Để khắc phục điều này, một số cơ sở kinh doanh đã triển khai giao rau an toàn tại gia đình và các nhà hàng, khách sạn cao cấp, một phần nhỏ đến các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp chứ không đưa ra các chợ để bán lẻ. Để người tiêu dùng nắm bắt được địa chỉ bán rau an toàn, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đã cập nhật trên trang web của Hội “bản đồ rau sạch” gồm thông tin về chuỗi 60 cửa hàng kinh doanh rau an toàn và 40 vùng sản xuất rau an toàn.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua rau an toàn. Chỉ nên mua rau ở địa điểm có uy tín, khi mua quan sát kỹ nhãn hiệu, địa chỉ nơi sản xuất… để đảm bảo sức khỏe cho bản thân gia đình. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần phải có những biện pháp thiết thực, quyết liệt hơn nữa để làm cho thị trường rau an toàn trở nên phong phú hơn và an toàn hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đỗ Thảo Nguyên