Khổ vì rác thực phẩm sau Tết

Có những hôm mở túi rác ra, tôi thấy nguyên một chiếc bánh chưng chưa bóc vỏ, nhưng đã bị mốc meo lên và nguyên cả một cây giò còn trong bọc, thấy lãng phí vô cùng”, chị Lan, nhân viên thu gom rác thuộc tổ 8, Công ty cổ phần môi trường Tây Đô (Hà Nội) xót xa chia sẻ.

 

Thùng nước gạo đã trở thành khái niệm quá xa lạ tại các khu chung cư, các căn nhà ở thành phố. Chính vì vậy, thay vì ném vào thùng nước gạo, giờ đây túi rác là cách để các hộ gia đình “chứa” những đồ ăn thừa sau Tết. “Những túi rác sau Tết thường rất nặng, đôi khi xách oẳn cả tay, mở ra thì nào là một chiếc bánh chưng còn nguyên chưa bóc, nhưng đã để mốc meo, nửa cây giò nạc, giò bò ăn dở bị ném đi. Rồi có khi là bánh chưng rán, xúc xích, đĩa xôi gấc... Không hiểu sao mà người ta lãng phí đến vậy”, chị Lan chia sẻ.

 

Sau Tết, rác thải chất đầy các xe rác, trong đó không ít là những thực phẩm Tết bị bỏ đi.


Chép miệng, chị Lan cho biết, sau Tết, bao giờ lượng rác thu gom cũng tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi. Đặc biệt, cứ từ mùng 2, mùng 3 Tết đến qua rằm, lượng rác thực phẩm lại tăng lên đáng kể. “Tết năm nay nắng nóng nên bánh trái, hoa quả dễ bị hỏng, có những ngày tôi thu gom được 4 - 5 chiếc bánh chưng còn nguyên chiếc bị mốc meo, còn rau thối, giò chả, nem, thịt… thì rất nhiều”.


Bên cạnh chị Lan, chị Thu Hòa đang chỉnh lại một bên tay còn đang bó bột, chị Hòa kể: “Hai ngày trước, đẩy xe rác nặng quá, đường trơn nên tôi trượt chân ngã phải bó bột tay trái nhưng vẫn không dám nghỉ vì còn 4 miệng ăn trông chờ vào mình". Với những người công nhân vệ sinh, những “tai nạn” như chị Hòa là thường xuyên, đặc biệt là những ngày cao điểm như dịp Tết, bởi những ngày đó lượng rác thường quá tải gấp vài lần ngày thường.


Với lượng rác lớn, lượng công nhân và xe ít nên để đảm bảo công việc thu gom, những chiếc xe rác được “cải tiến” thêm 4 đến 6 thanh dọc và các ván ngang, tăng chiều dài chiếc xe lên đến 2 mét, mỗi chiếc xe có khối lượng hàng tạ rác.


“Công nhân chúng tôi sợ nhất là rác vào những dịp trước Tết và sau Tết vì số lượng nhiều. Mà không hiểu sao sau Tết năm nào rác thực phẩm cũng chất đầy. Hôm tôi bị ngã, trên xe vẫn treo đung điêng 2 chiếc bánh chưng mốc định nhặt về cho lợn ăn với vài cành đào chất trên xe", chị Hòa nói.


Đi cùng, chứng kiến chị Hòa và chị Lan giở những túi nilông lớn, nhỏ đựng giò, chả, thịt đã bốc mùi chua loét, đứng cách cả trăm mét vẫn ngửi thấy, tôi mới thấy công nhân quả thật khốn khổ vì rác thực phẩm.


Cũng tương tự, anh Hà, Công ty môi trường Thăng Long cho biết, đội anh phụ trách thu gom rác tại nhiều khu đô thị tại khu vực Cầu Giấy, mỗi lần xuống hầm chuyển rác là mỗi lần rất gian nan. Anh Hà kể: "Khu vực này nhiều nhà chung cư, mà hầm chung cư nào cũng dốc nên để đẩy được xe rác ra ngoài là rất khó khăn. Sợ nhất là rác thực phẩm, vì thực phẩm ôi thiu để lâu sẽ ra nước, bốc mùi khủng khiếp, làm nghề này lâu rồi mà mỗi lần ngửi mùi thiu mốc đó tôi vẫn không khỏi rùng mình. So với mọi năm, Tết năm nay có vẻ rác thực phẩm, bánh chưng có phần tăng lên".


Tết năm nay thời tiết khá nóng, thực phẩm không được bảo quản kỹ sẽ dẫn đến ôi thiu. Chỉ ăn Tết ở nhà đến hết ngày mùng 1, từ ngày mùng 2 Tết, cả gia đình nhà chị Nguyễn Phương (Ba Đình, Hà Nội) đã lên đường đi du xuân. Sau 5 ngày đi du xuân, khi về đến nhà thì 4 chiếc bánh chưng mua trước Tết và cây giò bà nội gửi cho vợ chồng chị đã bị mốc meo, bốc mùi. Dù tiếc của nhưng vẫn phải bỏ đi. Chị Phương cho biết: "Hầu như Tết năm nào nhà tôi cũng phải đổ đi không ít thì nhiều đồ ăn, năm thì mua nhiều không ăn hết, năm thì do đi chơi xa, không dùng nên đồ bị hỏng, năm nào cũng tiếc nhưng vẫn không thay đổi được".


Theo các chuyên gia tâm lý, người Việt Nam từ trước đến nay luôn quan niệm sắm sửa ăn Tết phải đầy đủ. Tết càng sung túc thì báo hiệu năm mới làm ăn phát đạt, nên nhiều nhà sắm sửa nhiều hơn so với nhu cầu. Trong khi đó, Tết hầu như các gia đình đều đi chúc Tết, thăm hỏi nhau và đi du xuân nên không sử dụng đến lượng thực phẩm tích trữ trong Tết, dẫn đến thực phẩm quá hạn, mốc hỏng phải bỏ đi.

Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, vào dịp Tết các gia đình cần tính toán, mua lượng thực phẩm vừa đủ để vừa tiết kiệm được chi tiêu dịp Tết (vốn là thời điểm chi vượt trội nhất trong năm), vừa tránh lãng phí, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn hiện nay. “Cần thay đổi tâm lý “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” trong người dân, cũng tránh tình trạng “no dồn, đói góp” vốn đã ăn sâu trong người Việt Nam, hãy tiết kiệm để Tết vẫn đầy đủ, nhưng vui và không làm “rỗng ví” khi ra Giêng”, một chuyên gia khẳng định.


Bài và ảnh:Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN