Khó xử lý vi phạm về môi trường với người dân

Nghị định số 155/2016/NĐ - CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2017 với nhiều quy định mới, trong đó, các vi phạm như đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè... sẽ bị xử phạt cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế hiện thực vẫn không dễ.

Dù có biển cấm và quy định phạt tăng gấp 10 lần, nhưng người dân vẫn ngang nhiên vứt rác tại ngõ 105 Thụy Khuê (Hà Nội).

Vẫn vứt rác bừa bãi dù mức phạt tăng gấp 10 lần

Cách đây một năm, khi Nghị định 155/2016/NĐ - CP (gọi tắt Nghị định 155) có hiệu lực, tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần so với trước đây đối với một số vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhiều địa phương đã ra quân thực hiện. Đại diện UBND phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khi Nghị định 155 ra đời, UBND phường đã tuyên truyền đến các tổ dân phố, hộ kinh doanh để người dân nắm được quy định. Tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cũng tập trung tuyên truyền, phân công lực lượng để thực hiện, trong đó cán bộ phụ trách môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc xử phạt...

Theo đánh giá chung, khi Nghị định 155 bắt đầu có hiệu lực, hầu hết các địa phương đều có chuyển biến trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, khi đợt cao điểm xử phạt qua đi, đến nay, tình trạng vứt rác bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định... lại tái diễn.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến phố Hà Nội, từ phố cổ đến tuyến đường chính hay ngõ nhỏ, sẽ không khó để bắt gặp những đống rác bên đường hay hình ảnh người dân ngang nhiên vứt rác ra nơi công cộng.

Ngõ 105 Thụy Khuê (Hà Nội) nhiều năm nay đã trở thành nơi họp chợ vào mỗi buổi sáng. Chị Thu Hà, người dân sống tại ngõ này cho biết, cứ mỗi sáng đi làm, vừa ra khỏi cổng, điều đầu tiên chị thấy là mùi hôi tanh từ những hàng bán cá tươi. Chiều đi làm về, một đống rác thải to của chợ án ngữ ngay đầu ngõ và cách đó vài trăm mét là chỗ vứt rác tự phát của một số gia đình gần đây. Cùng với đó, bên trong ngõ là dòng kênh Tô Lịch bao quanh, nhiều hộ gia đình đã xả thải sinh hoạt trực tiếp ra đây khiến dòng kênh vốn đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm, bốc mùi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh nhưng chưa từng có ai bị xử phạt.

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, rác được vứt khắp nơi.

Chị Nguyễn Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị đi lại qua con đường gốm sứ - công trình văn hóa nghệ thuật lập kỷ lục Guinness, vẫn thấy cảnh có người đi vệ sinh ngay trên con đường gốm sứ này. “Hình ảnh đó rất phản cảm, có lúc tôi định dừng xe chụp ảnh và gửi cơ quan chức năng, thế nhưng cũng rất khó, có khi mình dừng xe được thì họ cũng “xong việc” rồi”, chị Hoa bức xúc.

Còn các công viên, bến xe, bệnh viện... tình trạng hút thuốc, vứt mẩu thuốc lá khắp mọi nơi và “tiện” đi vệ sinh ngay ngoài đường, bờ rào, tường ngăn nhưng cũng chưa bị xử phạt.

Tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy, trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng (quận 1), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Xa lộ Hà Nội (quận 2)... tình trạng người dân bỏ rác bừa bãi ra lề đường, vỉa hè vẫn xảy ra. Chị Lê Thị Hà, người bán hoa trên đường Xa lộ Hà Nội cho biết, tuyến đường này có nhiều trạm xe buýt. Tuy nhiên, nhiều trạm không có thùng rác nên người dân cứ vô tư xả rác ra lề đường. Mặc dù các công nhân vệ sinh có dọn hàng ngày nhưng vẫn không dọn xuể.

Khó xử phạt

Theo đánh giá của nhiều địa phương, mặc dù Nghị định 155 quy định khá chi tiết và rõ ràng, song khó áp dụng vào thực tế. Ông Lê Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện nay việc xử phạt theo Nghị định 155 còn khó khăn vì hầu hết cán bộ phường, công an phường phải kiêm nhiều nhiệm vụ như quản lý an ninh trật tự, vỉa hè... trong khi lực lượng mỏng. Cùng với đó, để xử phạt vi phạm, ví dụ như vứt rác, vứt tàn thuốc bừa bãi... thì phải có ảnh chụp, bằng chứng “bắt tận tay” nên cũng rất khó.

“Cho đến nay, phường thực hiện xử phạt những hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, còn trường hợp xử phạt như vứt rác bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định, vứt đầu thuốc nơi công cộng... thì chưa có trường hợp nào”, ông Sỹ cho hay.

Nhiều hàng quán đổ nước lênh láng ra đường.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, sau một năm thực hiện Nghị định 155, nhiều đơn vị cho rằng vẫn khó thực hiện nghị định này.

Đại diện UBND phường 1, quận 10 cho biết, sau thời gian thực hiện đơn vị chỉ phát hiện, lập biên bản xử phạt được vài trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xả nước thải, rác thải ra môi trường. Còn các vi phạm khác như có hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi... thì khó xử phạt.

Nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện UBND phường 1 cho rằng do thiếu phương tiện và lực lượng giám sát, thực thi nên nghị định vẫn khó triển khai. Chẳng hạn để lập biên bản vi phạm các hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, vứt rác, xả nước thải ra vỉa hè, lòng đường, hay khạc nhổ nơi công cộng nếu không bắt được tận tay, hoặc không có thiết bị ghi hình xác định rõ hành vi vi phạm thì không thể xử lý được. Còn các hành vi khác như xả nước thải, rác ra môi trường, người vi phạm sẽ cãi bay cãi biến nếu như không có người chịu đứng ra làm chứng hoặc không có các thiết bị ghi lại hình ảnh. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra giám sát vì cấp cơ quan hành chính phường hiện nay chỉ được biên chế một cán bộ môi trường, trong khi địa bàn thì rộng, dân đông.

Luật sư Đặng Xuân Cường, VPLS Trương Anh Tú, đoàn luật sư thành phố Hà Nội đánh giá, tính tới nay, Nghị định 155 đã có hiệu lực thi hành được 1 năm, tuy nhiên tình trạng xả thải ra môi trường của người dân hầu như không có chuyển biến bởi các quy định trong văn bản pháp luật chưa bước ra khỏi “văn bản” để đi vào đời sống.

Nguyên nhân là bởi ý thức của người dân còn kém. Cùng với đó, Nghị định 155 đã tăng mức phạt lên, từ 1 triệu đến 7 triệu đồng, mức phạt này vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính của cấp phường (Chủ tịch UBND phường chỉ được xử phạt vi phạm hành chính đến 5 triệu đồng). Để có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này, lực lượng công an cơ sở phải báo cáo đề xuất lãnh đạo công an quận ra văn bản xử phạt hành chính. Việc này khá mất thời gian, cùng với đó, dù có lập biên bản vi phạm thì cũng khó có thể yêu cầu người dân đến nộp phạt sau đó.

Mặt khác, hiện hầu hết các địa phương đều chưa có một lực lượng chuyên trách để thực hiện hoạt động phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, do đó đến nay có thể nói, những quy định này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ - CP quy định: Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng; vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, vứt ra vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước... bị xử phạt từ 3 - 7 triệu đồng.


Thu Trang - Hoàng Tuyết (Báo Tin tức)
Khó ‘sờ tận tay, day tận trán’ khi xử lý vi phạm vệ sinh bừa bãi
Khó ‘sờ tận tay, day tận trán’ khi xử lý vi phạm vệ sinh bừa bãi

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân, công an cấp phường, xã, quận… có trách nhiệm xử lý các vi phạm về xả rác thải, vệ sinh cá nhân bừa bãi. Song, để xử lý các vi phạm này không dễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN