Trong hai ngày 14- 15/5, Ngày hội STEM lần thứ 3 dành cho học sinh phổ thông do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút hàng nghìn học sinh, hàng trăm trường, cùng các bậc phụ huynh và giáo viên tham gia. Ngoài các trường phổ thông tại Hà Nội, còn có rất nhiều trường từ Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên cũng đăng ký tham dự.
Ngày hội STEM 2016 thu hút hàng nghìn học sinh, giáo viên và phụ huynh tham gia. |
Với chủ đề “Cỗ máy thời gian”, nội dung ngày hội được chia thành 7 khu vực với các lĩnh vực khoa học khác nhau như: Toán học và kiến trúc, khoa học nông nghiệp, khoa học tiền sử, trung đại, cận đại… các hoạt động trong ngày hội đã đưa các em học sinh tham gia vào một chuyến du hành trải nghiệm các bước tiến khoa học qua những sáng chế, trình diễn khoa học do chính các bạn học sinh đến các trường tự nghiên cứu, chế tạo ra. Ban tổ chức Ngày hội STEM 2016 hy vọng, chương trình năm nay không chỉ là sân chơi cho các em học sinh đam mê khoa học mà còn hướng tới mục tiêu sẽ lan tỏa mô hình giáo dục STEM tới tất cả các trường học tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp.
Trong gian trưng bày của trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, các em học sinh háo hức theo dõi chiếc flycam (camera bay) do nhóm lớp 9A2 tự chế, đang bay lượn trên cao và truyền hình ảnh ghi lại được qua điện thoại. Em Phạm Thảo Nhi, một trong những “tác giả” của sản phẩm này cho biết: “Nhờ tham gia câu lạc bộ STEM của trường, chúng em được thầy giáo gợi ý và hướng dẫn nghiên cứu, chế tạo chiếc flycam. Vật liệu làm thân máy bay chủ yếu sử dụng thanh tre và giấy bìa, rồi dùng keo gắn lại, nên rất rẻ tiền. Hoàn thành cả bộ flycam chỉ mất khoảng 700.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các thiết bị bán ngoài thị trường (khoảng 2 - 10 triệu đồng)”.
Sản phẩm của các em học sinh đến từ các trường khác cũng khiến nhiều giáo viên, phụ huynh phải “tròn mắt” như: Máy phát điện, máy chiết xuất tinh dầu… Hầu hết khi được hỏi các em đều chia sẻ là nhờ tham gia các hoạt động STEM của trường, các em đã biết cách để hiểu những kiến thức khô khan trong sách và biến chúng thành những sản phẩm thiết thực trong đời sống.
Việc dạy và học các môn khoa học, kỹ thuật trong nhà trường hiện nay đang khiến phần lớn học sinh luôn đau đầu vì bị coi là khô cứng, nhiều công thức, lắm áp lực. Tuy nhiên, sau khi áp dụng dạy học theo phương pháp giáo dục STEM, nhiều trường cho biết, đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt, giúp cho các môn khoa học, kỹ thuật rất đơn giản, gần gũi với học sinh.
“Tổ chức hoạt động STEM trong trường học không hề tốn kém, vì chỉ với các vật liệu tái chế, giấy, gỗ, vỏ chai... giáo viên đã có thể cùng các em sáng tạo ra máy bay, tên lửa, các loại máy móc, thiết bị... sau những giờ học căng thẳng. Không chỉ vậy, trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu chế tạo, sẽ phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo, kỹ năng tư duy, sự nhạy cảm, năng lực liên tưởng… cho học sinh”, thầy Nguyễn Mạnh Linh, Hiệu phó trường THCS Trưng Vương, Hà Nội chia sẻ.
STEM là một mô hình giáo dục mới, hiện đại, trong đó tích hợp bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động, có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày.
Trong 3 năm trở lại đây, Bộ KH&CN đã tích cực đưa hoạt động STEM vào trong hệ thống giáo dục phổ thông, nhằm xây dựng nền tảng kiến thức KHCN cho thế hệ trẻ. Ngoài thực hiện thí điểm thành công ở 14 trường tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, nhiều trường phổ thông cũng đã xây dựng được các câu lạc bộ STEM trong nhà trường.
Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN cho biết: “Thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục bảo trợ đưa hình thức giáo dục STEM vào trong các trường phổ thông, đồng thời chú trọng đẩy mạnh việc tổ chức Ngày hội STEM hàng năm. Để đưa các hoạt động STEM vào nhà trường là không hề khó khăn, không phụ thuộc vào điều kiện ở thành phố hay vùng sâu, vùng xa. Vấn đề cốt lõi là các giáo viên, các trường có đưa phương pháp này vào giảng dạy không.