Ngày 18/12, cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã được khởi công tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, khi hoàn thành, cầu Vĩnh Thịnh sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc và cùng với các đường vành đai 1, 2, 3, đường hướng tâm… tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đô thị.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, Ban quản lý dự án Thăng Long giám sát thường xuyên để đảm bảo an toàn lao động, môi trường…
Lễ động thổ khởi công xây dựng cầu Vĩnh Thịnh. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN. |
Vĩnh Thịnh là cây cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Dự án do Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 137 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD thông qua Quỹ EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 37 triệu USD.
Cầu Vĩnh Thịnh có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 32 với tuyến tránh Sơn Tây. Điểm cuối tại km9 + 800 (vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m và kết nối với Quốc lộ 2C). Cầu có tổng chiều dài gần 5,5km; trong đó, phần cầu dài gần 4,5km, đường hai đầu cầu dài hơn 1km. Đây là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng tính đến thời điểm hiện nay.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu có bề rộng 16,5m, gồm 4 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/h. Đường đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng.
Nhà thầu trúng thầu thi công xây lắp là GS Engineering & Construction corp của Hàn Quốc với giá trị hợp đồng 85,603 triệu USD. Tư vấn giám sát cho dự án: Liên danh Yooshin - Sambo (Hàn Quốc). Thời gian thi công là 36 tháng.
Sau khi hoàn thành, cầu Vĩnh Thịnh sẽ kết nối 2 trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để hoàn thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.
Uông Lam