Dự án do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ trong thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2024 với mục đích bảo vệ môi trường sống ven biển ở Đồng Bằng sông Cửu Long, hỗ trợ hoạt động thuỷ sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Jake Brunner, Quyền Giám đốc IUCN tại Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu này, dự án sẽ có các hoạt động hợp tác cùng doanh nghiệp, chính quyền, ban quản lý địa phương, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân để hỗ trợ vấn đề cân bằng giới; đồng thời thí điểm và xây dựng các chính sách mới cũng như mở ra các cơ hội về tài chính.
Dự án sẽ được triển khai tại các vùng ven biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của Đồng bằng sông Cửu Long dọc theo Biển Đông và khu vực đảo Phú Quốc (Khu bảo tồn biển duy nhất được kết nối sinh thái với đồng bằng) và ba cụm đảo nhỏ là: Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du.
Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam, là môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, khu vực sinh cảnh này đang đối mặt với các mối đe doạ ngày càng lớn. Tình trạng đánh bắt tại vùng biển gần bờ đang làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, dẫn đến hiện tượng đánh bắt tận diệt, tàn phá sinh thái. Cùng với đó, các khu rừng ngập mặn ở khu vực này đang giảm đi do vùng bờ bị thu hẹp diện tích do nước biển dâng. Các tác động khác của biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài và nhiệt độ trung bình môi trường tăng cao, đang trở nên nghiêm trọng hơn do diện tích rừng ngập mặn và cơ chế điều hòa vi khí hậu của rừng đang bị mất đi, đe doạ hoạt động nuôi tôm thâm canh, buộc nông dân phải bơm và sử dụng nguồn nước ngầm thay thế, dẫn đến hậu quả sụt lún đất và làm hiện trạng rừng ngập mặn bị thu hẹp diễn ra nhanh hơn nữa.
Dự án sẽ tập trung vào các hợp phần chính bao gồm: Tăng cường công tác quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo tồn sinh cảnh và các loài sinh vật hiệu quả hơn; thiết lập mạng lưới Khu vực biển do địa phương quản lý nhằm bảo tồn các thảm cỏ biển, hỗ trợ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đa loài tại ba cụm đảo nhỏ Ba Lụa, Hải Tặc, Nam Du; mở rộng diện tích rừng ngập mặn để bù lại diện tích vùng bờ bị “thu hẹp” và tăng mức độ đa dạng sinh học vùng bờ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra định hướng chung trong đó có bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi đối với biển và đại dương. Một trong những thách thức hiện nay là vấn đề bảo vệ môi trường biển mà không ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương. Dự án là một trong những bước đi cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển bền vững đối với các vùng ven biển.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động to lớn tới tỉnh Kiên Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Việc triển khai Dự án có ý nghĩa hết sức to lớn khi hướng đến sự tham gia bảo vệ môi trường sống của nhiều thành phần như: cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, nhà quản lý... Là một trong những địa phương triển khai dự án, Kiên Giang sẽ thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn cộng đồng dân cư tham gia hiệu quả trong mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường sống ven biển.