Phát biểu khai mạc, Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam Lê Minh Đức cho biết, Tọa đàm nhằm tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan Trung ương chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về văn hóa đọc. Đây không chỉ là vấn đề đang ngày càng được quan tâm trong xã hội, mà còn là một nét văn hóa đẹp cần được nhân rộng.
“Thông qua các ý kiến tham luận, hy vọng buổi tọa đàm sẽ góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của việc đọc sách đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, tạo nền tảng xã hội tích cực để mỗi đoàn viên tự hoàn thiện bản thân ”, Bí thư Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam khẳng định.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều quan điểm, đánh giá về văn hóa đọc hiện nay, tập trung vào các nội dung như: Mối liên hệ giữa văn hóa đọc với văn hóa mua sách và quyền sở hữu trí tuệ; rào cản trong việc đọc sách của thanh niên hiện nay và một số kinh nghiệm từ thực tế; lan tỏa văn hóa đọc sách tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Nhiều ý kiến thống nhất với nhận định về sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, nhất là văn hóa đọc sách hiện nay, do đó, cần thúc đẩy thói quen đọc sách ở mọi lứa tuổi để tiếp cận tri thức theo cách tự nhiên, tự nguyện, chứ không chỉ dừng lại ở các chương trình học bắt buộc.
Đánh giá về các tham luận tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn cho rằng, các ý kiến đã mang lại cái nhìn đa chiều và toàn cảnh về văn hóa đọc; cho thấy những điều còn trăn trở, suy tư của các bạn trẻ về văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Phan Anh Sơn, văn hóa đọc phải xuất phát từ sở thích, niềm đam mê và rộng, xa hơn nữa là tình yêu với sách, cùng với đó là phương pháp, cách thức chọn sách và cuối cùng là cách đọc.
"Phải trải qua một quá trình và đọc nhiều cuốn sách mới hình thành được tình yêu và sự yêu thích với sách, qua đó mới tạo nên sở thích và văn hóa đọc", ông Phan Anh Sơn chia sẻ.